Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 21 quy định mức trần tiền ký quỹ mà doanh nghiệp xuất khẩu lao động được phép thỏa thuận thu của người lao động theo từng thị trường.
Phỏng vấn, tiếp nhận hồ sơ người đi lao động ở nước ngoài tại Hà Nội. (Ảnh minh họa: Hữu Việt/TTXVN) |
Theo đó, mức trần tiền ký quỹ sẽ tùy thuộc vào ngành nghề và thị trường tiếp nhận lao động. Mức trần thấp nhất là 300 USD đối với các nước: Malaysia, Brunei, Thái Lan, Lào. Mức cao nhất là 3.000 USD đối với thực tập sinh đi Nhật Bản và thuyền viên trên tàu cá tại Hàn Quốc. Mức trần ký quỹ của các nước khu vực Trung Đông là 800 USD, các nước châu Phi là 1.000 USD, các nước châu Mỹ là 2.000 USD, Australia và các nước châu Âu từ 1.000 - 2.000 USD. Tại thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất hiện nay là Đài Loan, mức trần ký quỹ đối với giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe là 800 USD; thuyền viên tà cá xa bờ 900USD; công nhân nhà máy, xây dựng và các ngành nghề là 1.000 USD. Đối với các thị trường chưa quy định mức trần ký quỹ, người lao động ký quỹ với mức tương ứng bằng vé máy bay chiều về Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động về Cục Quản lý lao động ngoài nước trước 20/6 và 20/12 hàng năm. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2013.
Theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 9 tháng năm 2013, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 62.616 lao động, đạt 73,7% chỉ tiêu kế hoạch. Thị trường Đài Loan tiếp tục dẫn đầu về số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mặc dù khủng hoảng kinh tế và thị trường Hàn Quốc vẫn bị "đóng băng” nhưng dự kiến mục tiêu đưa 80.000 lao động đi làm việc nước ngoài trong năm 2013 sẽ có thể đạt được. |