Khơi dậy tình yêu quê hương đất nước
“Đặc biệt” là từ được nhiều người sử dụng khi nhắc tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, bởi trong lịch sử khoa cử, chưa từng xảy ra một kỳ thi nhiều biến động đến vậy trong thời điểm toàn cầu đang nỗ lực chống dịch Covid-19. Đặc biệt còn bởi, kỳ thi này bị lui lại gần 2 tháng so với mọi năm; các thí sinh thuộc diện F1, F2 và thí sinh thuộc địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải lùi thời gian thi vào một thời điểm thích hợp hơn.
Đây là kỳ thi mà mục đích chính là lấy điểm để xét tốt nghiệp THPT, mức độ các đề thi năm nay dễ hơn năm 2019 và có giảm tải. “Nhiều năm trước, đề thi các môn có công thức 6 + 4 (60% câu hỏi ở mức độ cơ bản; 40% câu hỏi nâng cao dần), năm 2019 là 7 + 3, còn năm 2020 là 8 + 2. Như vậy, đây là cách để các thí sinh hoàn thành bài thi của mình một cách tốt nhất” – thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định.
Đề thi các môn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được nhiều người đánh giá cao không chỉ ở việc Bộ GD&ĐT thực hiện lời hứa ra ở mức cơ bản, mà còn hay. Nhưng có lẽ hay nhất chính là ở bài thi môn Ngữ văn, đề vừa sức và điều quan trọng là khơi dậy được tình yêu cuộc sống, quê hương, đất nước và yêu lịch sử, con người Việt Nam.
Đặc biệt, trong đề thi có những câu nhấn mạnh đến khát vọng sống, nhất là sống hết mình cho hiện tại. Đề mang tính thời sự phù hợp với tình hình đang diễn ra hiện nay và rất khích lệ lớp trẻ sống hết mình. Đối với bài thi Toán, các câu hỏi không có nhiều bất ngờ; trong đề có những câu chỉ là thay số liệu để khích lệ thí sinh làm bài tốt hơn.
Bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Ngoại ngữ, các giáo viên và học sinh nhận xét đề ra ở mức cơ bản nhưng vẫn có những câu phân loại giúp cho các trường đại học top đầu lựa chọn được thí sinh mà không cần dùng đến tiêu chí phụ.
Nhiều giải pháp phòng dịch Covid-19
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát lần 2 tại Đà Nẵng, nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 khiến người dân hết sức lo lắng nếu kỳ thi được tổ chức trong thời điểm này. Thậm chí, nhiều ý kiến đề nghị xét tốt nghiệp để đảm bảo an toàn. Để việc thực hiện chống dịch tốt, ngành giáo dục đã có sự đồng hành, hỗ trợ của y tế, công an, quân đội, đoàn thanh niên... Kỷ luật trong phòng thi cũng được thực hiện rất nghiêm.
Gần đến ngày thi, Bộ Công an phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức các buổi thông tin về những thiết bị công nghệ cao gian lận phòng thi. “Các thầy cô đã chuẩn bị kỹ càng, chu đáo. Trước khi vào trường thi, chúng em được đo nhiệt độ và rửa tay. Tất cả các bạn trong phòng đều đeo khẩu trang, ngồi đảm bảo khoảng cách lớn nên chúng em yên tâm làm bài” – Lê Khánh Linh – thí sinh thi tại điểm trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho hay.
Đặc biệt, khu vực cổng trường trong suốt các buổi thi rất yên bình. Không có cảnh nhiều phụ huynh nhốn nháo chờ con, thay vào đó, chỉ là chiếc bàn để đồ uống của đội ngũ sinh viên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”. Ngoài ra, có lực lượng y tế, công an, an ninh trật tự trực chốt. Với sự tham gia của các lực lượng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1 kết thúc với nhiều điều tốt đẹp và chờ đợi một cái kết sẽ được thở phào nhẹ nhõm với hơn 50.000 thí sinh đang trong vùng phong tỏa và cả những thí sinh một số địa phương liên quan đến các ca mắc Covid-19.
Hoàn thành mục tiêu kép
Chiều 10/8, Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tổ chức họp báo, với chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Nhận định về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đợt 1 diễn ra ngày 9 và 10/8, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Kỳ thi này, an toàn phòng chống dịch được nâng lên một bước; các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch kỹ càng. Tất cả cán bộ nắm chắc quy chế, với mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế...
Thông tin về tỷ lệ thí sinh đến dự thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh cho biết: Kỳ thi này đã có 866.946 đạt tỷ lệ 96,3% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 26.308; cả nước đã có 2.092 điểm thi với 38.210 phòng thi. Tỷ lệ thí sinh đến dự thi đạt trên 96%. Kỳ thi này có 39 thí sinh vi phạm quy chế thi, giảm nhiều so với năm trước tuy nhiên lại có tới 18 cán bộ vi phạm quy chế thi. Đối với những thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt hai, xây dựng cấu trúc đề thi là ma trận đề thi dựa trên ngân hàng câu hỏi có độ khó tương đương với đề thi đợt 1.
Về việc các thí sinh thi đợt sau có bị ảnh hưởng trong việc những trường đại học xét tuyển sinh, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết: Ngày 3/9 các trường đại học công bố điều chỉnh đề án tuyển sinh. Phương án tuyển sinh của các trường cũng phù hợp với các em thí sinh đợt 2 và có dành tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển.
Công tác tổ chức xét tuyển thực hiện theo quy định hiện hành, công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng; điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự Kỳ thi đợt sau phải đảm bảo không thấp hơn điểm trúng tuyển của thí sinh tham dự Kỳ thi trong các ngày 8 -10/8/2020.
"Lịch chấm thi được 62 tỉnh, thành thực hiện theo kế hoạch và tiến độ đề ra (trừ Đà Nẵng). Năm nay, Bộ GD&ĐT vẫn công bố đáp án, điểm thi sau khi hoàn thành công tác chấm thi. Dù có dịch Covid-19 thì Bộ vẫn phân tích và đánh giá phổ điểm. Tất cả các hình thức công bố điểm thi đều là miễn phí." - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh Kỳ thi này có 18 cán bộ coi thi bị xem xét xử lý do chưa thực hiện đúng quy chế, không đảm bảo đầy đủ giờ làm bài môn Ngữ văn của một số thí sinh ở 1 phòng thi Bắc Ninh, 1 phòng thi ở Bình Phước (môn Địa lý) và 7 phòng thi ở Điện Biên (môn Địa lý). Những thí sinh này sẽ được thi đề dự bị vào ngày 11/8. |