Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ tích của những người dám mơ ước

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một năm trước, có mơ mộng đến mấy thì cũng ít người dám tin bóng đá Việt Nam sẽ có một đại diện ở World Cup dù là ở cấp độ nào đó. Nhưng, sau một năm, nền bóng đá vốn rất tự ti khi nói về hành trình hội nhập với thế giới phát triển lại có đến 2 đội bóng góp mặt tại World Cup. Nhìn lại hành trình “dữ dội” và hiển hách ấy chỉ tóm lược trong cụm từ đó là “dám mơ, dám hành động”.

4 năm cho một cơn địa chấn

Năm 2012, ông bầu Trần Anh Tú của futsal Việt Nam đã có quyết định khiến các cộng sự khó hiểu: Đặt vé máy bay cho các thành viên của đội tuyển quốc gia sang Thái Lan xem trận chung kết World Cup futsal. Nhiều cầu thủ nghĩ ông bầu muốn thưởng một chuyến du lịch. Nhưng, khi ngồi trên khán đài, tất cả đã sốc trước câu hỏi: “Các anh có muốn trở thành nhân vật chính của World Cup không?”. Cả đội đồng thanh trả lời: “Có!”. Khi ấy, bầu Tú đã lạnh lùng tuyên bố: “Từ giờ, tôi và các anh cùng mơ và hành động vì World Cup”.
 Đội tuyển Futsal Việt Nam ăn mừng chiến thắng tại World Cup futsal 2016.
Thời điểm năm 2012, futsal Việt Nam đã có được ngôi vị thứ nhì Đông Nam Á, sau Thái Lan, nhờ sự dẫn dắt của HLV Sergio Gargelli. Thế nhưng, ngay ở thời điểm đó, ông Tú đã nghĩ đến việc phải mời một chiến lược gia “xịn” hơn nhằm hoàn thành giấc mơ đến World Cup. HLV Bruno Garcia - chiến lược gia đến từ Tây Ban Nha - đất nước có nền futsal hàng đầu thế giới đã được mời đến Việt Nam với mức lương cả chục ngàn Euro/tháng. Cùng với ông Bruno có một dàn trợ lý, bác sĩ và chuyên gia về thể lực và đương nhiên, bầu Tú phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ. Chưa dừng lại ở đó, ông bầu này cùng các chuyên gia đã đi khắp nước tuyển quân với mục tiêu phải đào tạo cho được một lứa cầu thủ tài năng của riêng futsal chứ không phải là từ bóng đá sân 11 người chuyển sang như bấy lâu.

Trong 4 năm qua, hàng chục tỷ đồng đã được bầu Tú chi cho futsal. Và cũng chính ông Tú với tư cách là Ủy viên Thường trực VFF đã cùng với Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn họp thâu đêm suốt sáng để phác thảo kế hoạch tập huấn chuẩn bị cho World Cup 2016 của đội tuyển futsal Việt Nam. Thế nên, nhiều người đã sốc khi đội tuyển Việt Nam đánh bại Nhật Bản ở giải vô địch châu Á để giành vé đến World Cup. Rồi, người ta cũng sửng sốt khi lần đầu tiên có một đội bóng Việt Nam vượt qua vòng bảng World Cup để có mặt ở vòng 16 đội mạnh nhất thế giới.

Bị hắt hủi, thành người hùng

Hai năm qua, dư luận bóng đá Việt Nam bị chia rẽ vì lứa U19 hiện nay và lứa U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Đỉnh cao của sự hắt hủi của dư luận là giải U19 Đông Nam Á khi U19 Việt Nam thi đấu dưới những khán đài trống vắng. Kết thúc giải, đối diện với áp lực phải thay thế HLV Hoàng Anh Tuấn, nhưng VFF đã không chiều lòng dư luận. Họ kiên định tin tưởng vào lộ trình mà nhà cầm quân này đã vạch ra trong suốt 2 năm qua. Các cầu thủ Việt Nam đã gây sốc khi giành vé đến tứ kết với ngôi nhì bảng. Tại tứ kết, họ đã hạ đội chủ nhà Bahrain để bước vào vòng 4 đội mạnh nhất châu Á, qua đó sở hữu tấm vé dự World Cup U20 vào năm 2017.

Con đường đi đến thành công của U19 Việt Nam có nhiều yếu tố. Trong đó, khả năng chịu đựng áp lực từ dư luận của các nhà quản lý cũng như HLV Hoàng Anh Tuấn là yếu tố quan trọng nhất. Từ đó, đã giúp các cầu thủ trẻ Việt Nam trui rèn được bản lĩnh trận mạc và định hình được lối chơi phù hợp với đấu trường châu lục.

World Cup không còn là giấc mơ hão huyền của bóng đá Việt Nam. Thành công của đội tuyển futsal và U19 đã mở ra những giai đoạn phát triển mới cho nền bóng đá. Ở đó, nếu dám mơ, dám “say”, dám đặt ra những lộ trình đầy tham vọng và thực hiện nó thì chúng ta hoàn toàn có thể lập được kỳ tích.