Nhằm tháo gỡ những bế tắc trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, hai bên tiếp tục gặp gỡ tại Geneva, Thụy Sĩ trong 2 ngày (9 - 10/1). Theo các nhà ngoại giao phương Tây, một trong những vấn đề mà Iran và nhóm P5+1 muốn đề cập trong cuộc đàm phán lần này tại Geneva là việc Iran nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm tiên tiến. Trong thỏa thuận hạt nhân tạm thời ngày 24/11/2013, Iran có thể nghiên cứu và phát triển máy ly tâm, song lại bị hạn chế trong việc thiết lập các máy ly tâm mới, trừ khi các máy móc cũ đã bị hao mòn. Tuy nhiên, tháng 12/2013, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cho biết, họ đang phát triển một thế hệ máy ly tâm mới và việc này cần trải qua tất cả các quy trình thử nghiệm trước khi đưa vào hoạt động. Báo cáo này của Iran khiến nhóm P5+1 ngờ vực rằng, liệu nước này đang phát triển một mô hình máy ly tâm hoàn toàn mới hay chỉ là phiên bản sửa đổi của một loại máy ly tâm cũ. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh: "Chúng tôi đang nỗ lực để xây dựng một nền tảng cần thiết cho một tương lai khác giữa Iran và phương Tây, biến sự ngờ vực đã tồn tại 10 năm nay trở thành sự tin tưởng lẫn nhau". Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Abbas Araqchi cũng nhấn mạnh, ngày 20/1 tới được đề xuất là thời hạn bắt đầu thực thi thỏa thuận hạt nhân tạm thời và 2 bên đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch này. Rõ ràng, những tranh cãi xung quanh việc Tehran nghiên cứu và phát triển các máy ly tâm thế hệ mới là một trong những thách thức lớn mà Iran và nhóm 6 cường quốc phải đối mặt trong vòng đàm phán lần này nhưng giới phân tích đã nhận định, hai bên vẫn có thể đạt được tiến bộ đáng kể tại Geneva.