Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng đạt kỷ lục mới

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước năm 2010, ít người nghĩ đến xuất khẩu (XK) rau quả đạt được 1 tỷ USD.

Nhưng từ năm 2013 đã gia nhập và đến năm 2016 đã đứng thứ hạng cao trong “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch XK từ 1 tỷ USD trở lên. Từ kết quả trong những tháng đầu năm nay, có thể kỳ vọng năm 2017 sẽ cán mốc 2,8 tỷ USD.

Tuy tham gia muộn (2013), nhưng XK rau quả năm 2016 đứng thứ 14 trong 24 thành viên “câu lạc bộ” đạt trên 1 tỷ USD. XK rau quả chỉ đứng sau điện thoại, dệt may, máy vi tính, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ… Năm 2016 so với năm 2010, kim ngạch XK rau quả lớn gấp gần 5,5 lần, hay tăng gần 32,7%/năm. Đây là tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng tổng kim ngạch XK của cả nước trong cùng thời gian (tương ứng trên 2,4 lần và tăng 16,1%/năm).
 Ảnh minh họa

Tháng 1/2017, kim ngạch XK rau quả tăng 16,2%, cao gấp trên 2,8 lần tốc độ tăng tổng kim ngạch XK của cả nước trong cùng thời gian (5,7%). Kim ngạch XK rau quả tháng 1/2017 tiếp tục vượt qua 2 mặt hàng có thứ bậc cao hơn trong năm 2016 (Xơ sợi dệt và Hạt điều) lên đứng thứ 12. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2017, kim ngạch XK hàng rau quả có thể đạt kỷ lục mới, cán mốc 2,8 tỷ USD, thậm chí lần đầu tiên có thể cán mốc 3 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến 15/2, XK rau quả đã đạt 333 triệu USD, tăng 34% - cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 18,5% của tổng số. Rau quả của Việt Nam hiện có mặt ở trên 23 thị trường, trong đó có 16 thị trường có kim ngạch tương đối lớn. Lớn nhất là Trung Quốc (năm 2016 đạt 1,739 tỷ USD). Và dự kiến năm 2017, XK rau quả sang thị trường này có thể vượt qua mốc 2 tỷ USD. Tiếp đến là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia...

Kỳ vọng đạt kỷ lục mới về XK rau quả càng cần thiết và có tính khả thi trong điều kiện nông nghiệp đang cần tái cơ cấu từ sản xuất đến tiêu thụ trong nước và XK ra nước ngoài. Tái cơ cấu sản xuất để phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai với sự biến đổi khí hậu khi hạn, mặn ngấm sâu, nước biển dâng; phù hợp với cơ chế thị trường để hình thành “cánh đồng mẫu lớn” trên cơ sở nới lỏng hạn điền, hình thành các vùng sản xuất, chế biến tập trung. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao; phát triển các loại rau quả không dùng đất, không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu...

Tuy nhiên, trong khi XK gia tăng và có quy mô lớn, thì Việt Nam cũng nhập khẩu (NK) rau quả với số tiền không nhỏ. Kim ngạch NK rau quả, nếu năm 2010 mới là 294 triệu USD, thì năm 2016 tăng mạnh lên 925 triệu USD, tăng tới 48,7% so với cuối năm 2015. Năm 2016 so với năm 2010, kim ngạch NK rau quả cao gấp trên 3,1 lần, hay tăng gần 21,1%/năm. Với 925 triệu USD, tính theo tỷ giá hối đoái bình quân năm 2016 (21.930 VND/USD) thì tính ra lên tới trên 20.000 tỷ VND - một số tiền không nhỏ. NK gia tăng và có quy mô không nhỏ là những cảnh báo cần sớm có giải pháp giải quyết thực trạng này để ngành hàng rau, quả trong nước có sự phát triển bền vững thời gian tới.