Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng gì ở phim Việt?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến lúc này, Cục Điện ảnh Việt Nam chính thức chốt phương án 18 bộ phim Việt Nam s...

Kinhtedothi - Cho đến lúc này, Cục Điện ảnh Việt Nam chính thức chốt phương án 18 bộ phim Việt Nam sẽ được trình chiếu cùng 327 bộ phim của 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ 3 (HANIFF). Nhìn vào danh sách phim tham dự, giới làm nghề nghi ngại về dấu ấn phim Việt trong kỳ liên hoan lớn này.

Loại bỏ phim “thảm họa”

18 bộ phim được Cục Điện ảnh tuyển chọn tham dự HANIFF lần này là những sản phẩm có chất lượng nghệ thuật, gây được tiếng vang hoặc giành một số giải thưởng nhất định trong nước và quốc tế như: "Những người viết huyền thoại", "Đập cánh giữa không trung"... Hoặc những phim có doanh thu cao, được dư luận quan tâm như: "Âm mưu giày gót nhọn", "Scandal - Hào quang trở lại", "Thần tượng", "Quả tim máu", "Hiệp sĩ mù", "Lạc giới"…

Trong xu hướng điện ảnh tư nhân đang trỗi dậy, nên phim Nhà nước chỉ chiếm 3/18 phim. Mới đầu, Cục Điện ảnh chỉ công bố danh sách phim sẽ tham dự HANIFF, trong đó bao gồm cả phim dự thi, phim tham gia chương trình Toàn cảnh điện ảnh thế giới ngày nay, Chương trình phim Việt Nam...
Một cảnh trong phim ''Những người viết huyền thoại''.
Một cảnh trong phim ''Những người viết huyền thoại''.
 
Theo danh sách công bố, giới làm nghề tỏ ra lo ngại bởi những bộ phim sản xuất năm nay, thậm chí một vài phim đang ăn khách tại các rạp như "Hiệp sĩ mù", "Lạc giới", "Đoạt hồn", "Hương ga"… chưa đủ tầm để tranh tài tại một liên hoan phim tầm cỡ quốc tế.

Rất may đến phút chót, "Đập cánh giữa không trung" và "Những đứa con của làng" - hai bộ phim được nhiều người chờ đợi nhất trong danh sách phim tham dự, được "chốt" trong danh mục phim Việt dự thi. Hai bộ phim này, ngoài giành được nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình trong nước, còn gây tiếng vang trên sân chơi điện ảnh thế giới. Có lẽ đây là phương án tối ưu mà Cục Điện ảnh có thể lựa chọn, bên cạnh những "thảm họa" cận kề.

Vì sao phim Việt khó tiến bộ?

Trong cuộc họp báo đầu tiên khởi động HANIFF, Ban Tổ chức có vẻ rụt rè đưa ra lựa chọn chiếu phim của Philippines trong buổi khai mạc thay vì phim Việt như kỳ liên hoan trước. Không ít ý kiến cho rằng, lý do có thể vì dư âm của liên hoan lần trước, bộ phim chiếu khai mạc chưa đạt được chất lượng như kỳ vọng.

Phủ định ý kiến này, TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: "Tại nhiều Liên hoan phim quốc tế, Ban Tổ chức rất tế nhị khi chọn phim chiếu mở màn và thường đó không phải là phim của nước chủ nhà. Đây cũng là Liên hoan phim quốc tế, vì thế, tiêu chí đặt ra là các nước tham gia đều cảm thấy bình đẳng trong một sân chơi chung nên việc chọn phim chiếu khai mạc là phim nước ngoài là chuyện rất bình thường".

Thế nhưng, nhìn vào sự đón nhận của các nhà làm phim trong nước với Liên hoan phim lần này thì dường như mục đích tạo cơ hội để đông đảo các nhà làm phim trong nước giao lưu, học hỏi với nền điện ảnh tiên tiến chưa đạt được. 

Ngoài buổi họp báo rình rang, thu hút một số nghệ sĩ tham dự, Cục Điện ảnh đã tổ chức 2 buổi chiếu phim giới thiệu những tác phẩm đạt chất lượng cao của các nước như: Pháp và Philippines. Tuy nhiên, phòng chiếu hơn 200 chỗ ngồi của Cục Điện ảnh mỗi lần công chiếu, đón chưa đầy 20 khán giả đến xem, chủ yếu là nhà báo. Thế mới thấy, dường như các nhà làm phim Việt không mặn mà lắng nghe khán giả, học hỏi những điều hay của điện ảnh thế giới. Để rồi, bên cạnh số ít những phim xem được, quá nửa phim Việt tham gia trình chiếu tại Liên hoan phim lần này vẫn bị coi là "thảm họa"

Đến cuối tháng 11/2014, HANIFF 3 mới khai màn, còn sớm để đưa ra những đánh giá chính xác về chất lượng phim Việt trong dòng chảy phim thế giới. Tuy nhiên, thông qua bức tranh chung của điện ảnh Việt trong thời gian qua, khán giả vẫn cần những người chịu trách nhiệm sản xuất ra các tác phẩm điện ảnh nỗ lực nhiều hơn nữa.