Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kỳ vọng hay áp lực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có hai hình thức kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh với con. Một là, họ luôn thúc ép con phải học thật giỏi, nổi bật hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa. Những người này luôn bắt con học ngày học đêm và hầu như chẳng bao giờ thỏa mãn với thành tích của trẻ.

Kiểu thứ hai, những bậc phụ huynh muốn trẻ phải học theo sở thích, nguyện vọng của mình, theo đuổi những ước mơ của họ hay phấn đấu đạt được những thứ họ muốn mà không làm được và tưởng như "kỳ vọng" rất có lý này cũng gây ra không ít hệ lụy buồn.

Một cậu bé có bố là kiến trúc sư, giám đốc một công ty riêng về thiết kế xây dựng làm ăn phát đạt. Ông luôn mong con trai sẽ theo nghiệp mình nên từ nhỏ đã hướng học vẽ. Thế nhưng, cậu tỏ ra không hứng thú với hoạt động này, nên lúc nào cũng trong tình trạng chán nản, rồi dẫn đến bỏ học, tỏ ra cáu gắt, thường xuyên cãi lại bố. Không ít lần bố mẹ cậu phát cáu, sử dụng cả các biện pháp mạnh như đòn roi, cấm ra khỏi nhà. Kết quả, cậu bỏ nhà đi bụi cả tuần. Khi tâm sự với các nhà tâm lý, cậu bé cho biết, làm như vậy chỉ đơn giản là để bớt "ngạt thở" hay nói cách khác là "tìm một chút tự do cho riêng mình" và cũng là để cảnh báo cho cha mẹ biết nếu bị ép quá cậu sẽ "từ bỏ tất cả".

Kỳ vọng hay áp lực - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Việc mong muốn những đứa con giỏi giang, thành đạt là điều rất chính đáng và các bậc phụ huynh đã không ngại đầu tư tiền bạc, công sức. Tất nhiên, cùng với sự đầu tư đó thường kèm theo những đòi hỏi. Cũng vì thế, họ rất dễ bực mình, thất vọng khi ''con đáp lại công lao của cha mẹ chỉ thế này thôi sao!''. Nhưng những đứa trẻ lại cảm thấy quá mệt mỏi khi cứ phải đuổi theo những kỳ vọng của cha mẹ. Họ bỏ học để đi chơi với bạn bè vì những người bạn không hề đòi hỏi hoặc bắt họ phải làm những điều mà cha mẹ muốn.

Lời khuyên của các nhà tâm lý dành cho các bạn trẻ trong tình huống như vậy là hãy sử dụng sự tự do và quyền quyết định của mình một cách khéo léo và an toàn để không ảnh hưởng xấu đến hình ảnh bản thân, tổn thương tình cảm của cha mẹ và gây bầu không khí căng thẳng trong gia đình. Về phía người lớn, nếu cứ tạo ra cho con những áp lực ngày càng cao hơn và tồn tại trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tạo ra những trở ngại về tâm lý cho con, tạo ra sự hụt hẫng cá nhân khi không thực hiện được những kỳ vọng vì một hạn chế riêng nào đó. Từ đó tạo ra những mặc cảm tự ti và ý nghĩ mình là một con người kém giá trị lại làm tăng thêm hẫng hụt, stress kéo dài. Vì vậy, trong cuộc sống mới có những trường hợp con cái phản ứng hung bạo, trầm cảm, bỏ nhà đi bụi, tự tử... mà khi xảy ra, các bậc phụ huynh hay thắc mắc "không hiểu tại sao con tôi nó lại như vậy?".