Song, điểm qua một số chương trình ở Hà Nội vẫn chưa thấy nhiều “chiêu” hấp dẫn.
Loanh quanh với cổ tích
Cho đến lúc này, hầu như các nhà hát đã lên lịch biểu diễn cho các chương trình thiếu nhi. Mặc dù các đơn vị đã cố gắng cập nhật hình thức thể hiện theo xu hướng những nhân vật hoạt hình đang được yêu thích như công chúa Sophia, gấu Panda, Minion…, nhưng vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi "cái bóng" của cổ tích, những nhân vật hoạt hình hay tạp kỹ.
Tại Nhà hát Tuổi trẻ, khán giả nhí sẽ được thưởng thức chương trình ca múa nhạc tạp kỹ “Phiêu lưu trong thế giới hoạt hình 3” cùng các vở kịch “Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến” và “Ông Ba bị”. Sân khấu xiếc của Rạp xiếc T.Ư cũng không có nhiều thay đổi so với các năm trước. Mặc dù tên gọi chưa chính thức được công bố, nhưng sẽ vẫn là các tiết mục quen thuộc, bao gồm cả xiếc thú và ca nhạc tạp kỹ do các nghệ sĩ và thiếu nhi biểu diễn. Hơn 5 năm chú tâm khai thác chương trình nghệ thuật dành cho các em nhỏ, các nghệ sĩ tham gia diễn xuất trong các chương trình của Nhà hát Kịch Hà Nội chủ yếu vẫn là NSƯT Minh Vượng, Hồng Kỳ… cùng những câu chuyện cổ tích về tình bạn, lòng nhân hậu, trí thông minh, dũng cảm.
Đành rằng cổ tích luôn là một thế giới thần tiên phù hợp với lứa tuổi, hấp dẫn khán giả nhỏ tuổi, nhưng nếu cứ khai thác mãi sẽ nhàm chán. Ngay bản thân các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này cũng thừa nhận không có nhiều đổi mới. Ngoài khai thác những nhân vật của thế giới cổ tích, sân khấu vẫn giữ thói quen “ăn theo” các nhân vật hoạt hình nước ngoài, nhưng cách thể hiện không nhiều mới mẻ, chưa xây dựng được những nhân vật thú vị cho riêng mình. Các đạo diễn kịch thiếu nhi chuyên nghiệp cũng không giấu sự “bí” đề tài này. Hầu hết kịch bản hiện nay đều được các đạo diễn "tự chế" từ ý tưởng truyện cổ tích, sau đó cho thêm phần hài hước, gây cười, chứ chưa xây dựng được đội ngũ cây bút viết kịch bản cho thiếu nhi.
Đừng đổ lỗi cho khán giả
Nhiều nhà hát cũng như các công ty tổ chức biểu diễn kêu trời khi được gợi ý xây dựng các chương trình thiếu nhi chuyên nghiệp hơn. Họ cho rằng, sân khấu kịch không dễ chiến thắng với các trò chơi điện tử trong cuộc chiến giành giật khán giả. Song, đó chỉ là lý do thể hiện sự "ì" trong sáng tạo của nghệ sĩ thời nay. Theo tiết lộ hậu trường, cách đây 5 năm, một danh hài nổi tiếng đã được bầu show trả 1 tỷ đồng tiền nhuận bút kịch bản và công diễn trong 10 ngày cho vở kịch “5 anh em siêu nhân”. Từ đó đến nay, những gương mặt hài cũng như bầu show đó chưa từng vắng mặt trong mỗi mùa kịch dành cho thiếu nhi. Và nếu không có lợi nhuận, chắc chắn Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Chèo Hà Nội vốn không mấy mặn mà với kịch thiếu nhi đã không tham gia cuộc đua giành giật khán giả trong lãnh địa này.
Hàng chục năm nay, sân khấu thiếu nhi vẫn chạy theo mùa vụ và thông thường chỉ có một mùa vào dịp Hè. Nhà sản xuất đổ lỗi cho khán giả, nhưng có lẽ lý do chính vì ngày nay nhiều đơn vị thiên về nghệ thuật “ăn xổi”, nhìn vào doanh thu trước mắt, ít tính đến chiến lược đầu tư dài hơi vì nghệ thuật. Để kịch thiếu nhi trở thành một món ăn tinh thần hấp dẫn và thường xuyên của các em, có lẽ điều quan trọng là cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các nghệ sĩ trong sứ mệnh phục vụ đối tượng khán giả đặc biệt quan trọng này.
Cảnh diễn trong vở kịch “Ông ba bị”.
|