Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lại lo “nghẽn” ATM

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, cả nước có hơn 16.000 máy ATM, trong khi đó có trên 68,8 triệu thẻ ngân...

Kinhtedothi - Đến nay, cả nước có hơn 16.000 máy ATM, trong khi đó có trên 68,8 triệu thẻ ngân hàng. Dù các ngân hàng đã nâng cấp dịch vụ ATM, thì việc "tắc" tiền mặt tại các cây ATM dịp cao điểm lễ, Tết được dự đoán sẽ khó tránh. Phương án lập các bàn chi trả tiền mặt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung nhiều công nhân đang được NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai.

Máy chạy ro ro, vẫn lo hết tiền

Sáng 25/12, theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại các cây ATM của Techcombank, VietinBank, MB, Agribank… đặt trong Khu đô thị Xa La (Hà Đông, Hà Nội), các giao dịch vẫn diễn ra thông suốt. Tuy nhiên, phản ánh của nhiều người dân ở đây cho biết, vì không phải là thời "cao điểm" nên máy ATM vẫn chạy ro ro. Còn dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt lên cao, việc các máy ATM "xin lỗi quý khách" là... chuyện thường ngày. Chị Thúy Hằng - chủ thẻ của Techcombank cho biết, cuối năm 2013, chị đã phải chạy lòng vòng nhiều con phố chỉ để rút chưa đến 5 triệu đồng tiền mặt. "Lương thưởng luôn đổ vào cuối tháng, thời điểm sắp nghỉ Tết nên dù biết ATM hay "tắc", tôi vẫn không có cách nào rút kinh nghiệm ngoài việc mong ngân hàng để ý "tiếp quỹ" nhanh hơn" - chị Hằng nói.

 
 Rút tiền tại một cây ATM của VietinBank.     Ảnh: Công Hùng
Rút tiền tại một cây ATM của VietinBank. Ảnh: Công Hùng
 
Đến hẹn lại lên, dự báo trước về nhu cầu tiền mặt tăng đột biến, các ngân hàng đã cấp tập lên kế hoạch "chống nghẽn" ATM. Tại Maritime Bank, hệ thống công nghệ và quản lý đã giúp ngân hàng theo dõi liên tục được hệ thống ATM trên toàn quốc, dự báo các xu hướng tăng/giảm giao dịch trong tương lai và quản lý lượng quỹ tồn trên từng ATM tại từng thời điểm. Bên cạnh đó, cơ chế tiếp quỹ linh hoạt cũng giúp việc tiếp quỹ để đáp ứng các nhu cầu phát sinh đột biến một cách liên tục. Nếu có sự cố xảy ra, đội ngũ nhân sự kỹ thuật chuyên trách về ATM sẽ nhanh chóng đến để xử lý. 

Bà Trần Thanh Hằng - Giám đốc Trung tâm thẻ VietcomBank - ngân hàng có hệ thống hơn 2.000 máy ATM khẳng định, thời điểm này, ATM chỉ hết tiền khoảng 30 phút đến 1 giờ là ngân hàng đã có mặt tiếp tiền ngay.

Bố trí thêm các bàn rút tiền mặt

Để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng dịp Tết Nguyên đán, mới đây, NHNN Chi nhánh Hà Nội đã có văn bản gửi các TCTD trên địa bàn về việc nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn hoạt động ATM. Theo đó, Chi nhánh yêu cầu các TCTD trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát tồn quỹ ATM, bố trí người theo dõi lượng tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, tăng tần suất tiếp quỹ, đảm bảo cơ cấu và tiêu chuẩn các mệnh giá tiền mặt, phục vụ tốt hơn nhu cầu rút tiền của khách hàng. Đặc biệt, tại các khu vực tập trung nhu cầu rút tiền lớn vào thời "cao điểm" như các khu công nghiệp, khu chế xuất…, NHNN Chi nhánh TP Hà Nội yêu cầu các ngân hàng bố trí thêm các bàn rút tiền mặt để giảm tải cho ATM, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng thiếu tiền trong các máy ATM.

Về phía các ngân hàng, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc ngân hàng điện tử Maritime Bank cho biết, để khắc phục tình trạng "nghẽn" ATM, khách hàng nên chọn các ngân hàng có mạng lưới ATM rộng khắp và hạn mức giao dịch cao, thực hiện giao dịch trên chính máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ. Bên cạnh đó, ông Lê Anh Tuấn cũng khuyến cáo khách hàng có thể lựa chọn các kênh giao dịch điện tử khác thay thế cho ATM như Internet banking, Mobile banking để thực hiện.
 
Theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, ngân hàng nào để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt lên đến 15 triệu đồng.