Đây đã thành tiền lệ mỗi khi thông tin về lỗ, lãi trong kinh doanh được đưa ra, Tập đoàn này lại thuyết minh, giải thích.
Thông tin lỗ, lãi trong kinh doanh xăng, dầu vẫn rất tù mù. Ảnh: Hải Linh
Tiền ở một giỏ
Theo giải thích của Petrolimex, về khoản lợi nhuận 1.030 tỷ đồng, đây là tổng lợi nhuận kế toán hợp nhất trước thuế, tập trung ở cả các công ty con (gồm 42 công ty thành viên, công ty cổ phần, công ty liên kết và các công ty ở nước ngoài...). Việc lập báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex được thực hiện trên quy mô rất lớn với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trên phạm vi toàn quốc (kinh doanh xăng dầu, gas, bảo hiểm, ngân hàng, vận tải xăng dầu, cơ khí và xây lắp xăng dầu...). Hay nói cách khác, trong số hơn 1.000 tỷ đồng trên, chỉ có 58 tỷ đồng lãi từ kinh doanh mặt hàng xăng dầu nội địa. Số lợi nhuận còn lại đến từ các lĩnh vực khác.
Cách giải thích này không khác với thời điểm đầu năm 2011 trước khi DN cổ phần hó. Trong bản báo cáo phản ánh 3 năm liên tiếp 2008, 2009, 2010 Petrolimex đã lãi hàng ngàn tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Petrolimex lúc bấy giờ nói, khi chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, Petrolimex báo cáo lãi là vì đơn vị này còn thu lợi nhuận về từ các lĩnh vực kinh doanh khác, trong đó có tái xuất xăng dầu. Trước giải thích trên đã có nhiều ý kiến đặt vấn đề: Cơ chế kinh doanh xăng dầu của Petrolimex như vậy liệu có bình thường? Tập đoàn Nhà nước kinh doanh nhiều ngành nghề, nếu lỗ thì đề xuất Nhà nước bù giá trợ cấp, nhưng khi lãi thường "quên" san sẻ lợi nhuận cho Nhà nước, cho người dân. Về bản chất, Petrolimex là công cụ điều tiết của Nhà nước nên tiền kinh doanh từ lĩnh vực nào cũng là tiền của Nhà nước.
Cơ chế giá tiếp tục bị lợi dụng
Trong bản báo cáo gửi Ban Tuyên giáo T.Ư và Bộ TT & TT, Petrolimex cũng giải thích: Mức lợi nhuận 58 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nội địa chỉ tương đương khoảng 9 đồng/lít, kg (trong khi lẽ ra lợi nhuận định mức Petrolimex có thể đạt được tối đa theo quy định tại Thông tư số 234/TT-BTC ngày 9/12/2009 của Bộ Tài chính là 300 đồng/lít, kg). Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực chính là kinh doanh xăng dầu, DN cũng tù mù lỗ lãi. Theo Nghị định 84/2009/NĐ - CP, công thức tính giá cơ sở xăng dầu sẽ bao gồm: Giá CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + chi phí định mức kinh doanh + lợi nhuận định mức + mức trích Quỹ bình ổn + phí bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng (VAT). Một trong những điểm nghẽn trong cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay là chi phí kinh doanh. Khoản chi phí này khá phức tạp, khó kiểm soát, bao gồm tiền lương, chi phí tài chính, tỷ giá, chi phí hao hụt, thù lao đại lý, cước vận tải...
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, mức phí này năm 2011 ở Tập đoàn Petrolimex lại rất lớn. Trong đó, chi phí bán hàng nội địa bình quân thực tế 628 đồng/lít, chiếm tỷ trọng lớn nhất. Kế đến là chi phí tài chính bình quân 190 đồng/lít, chi phí hao hụt bình quân 189 đồng/lít. Kiểm toán Nhà nước nhận định, có nhiều khoản chi đã tăng mạnh, đẩy tổng chi phí kinh doanh tăng cao, như cước vận tải, tiền lương, chiếm 12,8% (bình quân 127 đồng/lít, kg), chi phí khấu hao tài sản cố định được tính tối đa chiếm khoảng 4,62% (tương ứng 46 đồng/lít, kg).
Yếu tố lợi nhuận định mức 300 đồng/lít theo Kiểm toán cũng không thể sát với thực tế của DN, nhất là khi cả cơ quan quản lý cũng như các DN đều chưa công khai, minh bạch những thông tin liên quan đến chỉ tiêu lợi nhuận.
Ngoài những chuyện mập mờ nói trên, nếu tính giá cơ sở theo giá vốn bình quân thực tế sẽ thấy rõ có sự chênh lệch này. Một quan chức Bộ Tài chính tiết lộ, việc lỗ khi phải giữ giá có thể là thật, tuy nhiên DN xăng dầu không công bố cụ thể thời điểm nhập, số lượng nhập lúc giá cao là bao nhiêu. Khi giá cao, DN dự trữ ở mức thấp, khi giá giảm, dự trữ nhiều hơn. Nên lỗ có thể không lớn như mức mọi người vẫn tưởng.
Bảng tính toán giá cơ sở chưa khi nào được DN đăng tải công khai như yêu cầu của Nghị định 84. Cơ chế buộc doanh nghiệp Nhà nước phải minh bạch thật ra đã được quy định trong chế độ báo cáo, hạch toán, giải trình nhưng do còn thiếu một cơ chế giám sát và chế tài buộc họ thực hiện nên dẫn đến tình trạng nói nhiều nhưng làm ít. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Anh |