Nhiều áp lực tăng giá
Giá xăng tại châu Á tuần qua tiếp tục đứng ở mức rất cao. Trong đó, giá xăng A95 hiện ở mức cao nhất trong 10 tháng qua. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3 tại sàn hàng hóa New York phiên 19/2 cũng tăng mạnh tới 80 cent, tương ứng 0,8%, lên mức 96,66 USD/thùng.
Nếu giá xăng dầu thế giới không giảm, việc tăng giá xăng dầu trong nước là điều khó tránh khỏi.Ảnh: Thanh Hải
Theo một số doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu, tính theo giá bình quân 30 ngày, từ 19/1 đến 19/2, mỗi lít xăng bán ra, DN đang lỗ 1.850 đồng/lít. Trừ 1.000 đồng/lít đang được sử dụng từ Quỹ bình ổn giá, DN vẫn lỗ 850 đồng/lít. Tương tự, ở mặt hàng dầu, DN đang lỗ 914 đồng/lít. Do đang được sử dụng quỹ 400 đồng/lít nên mức lỗ còn lại là 510 đồng/lít.
Thời gian qua, để giữ ổn định giá cả trong những ngày Tết, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định không tăng giá xăng, dầu trong dịp Tết mà tiếp tục tăng sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, tạm thời loại bỏ nguy cơ tăng giá. Tuy nhiên, không ai có thể đảm bảo giá xăng và điện sẽ không rủ nhau tăng tiếp. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, sau dịp Tết, nếu giá xăng dầu thế giới không giảm thì phương án tăng giá xăng, dầu trong nước là không thể tránh khỏi.
Những tháng đầu năm 2013, ngành điện cũng đưa ra thông tin: Giá điện năm 2013 có khả năng tiếp tục tăng với mức cao hơn trong năm 2012. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri còn khẳng định: Việc tăng giá nhiều lần trong năm 2013 còn bởi để tập đoàn này bù lỗ do trong các lần tăng giá điện vừa qua còn rất khiêm tốn, hay nói cách khác tập đoàn này được phép tăng giá điện để giảm lỗ. Chưa kể, các chi phí đầu vào như than, khí... cũng sẽ tăng theo lộ trình để tiến tới giá thị trường, càng làm cho EVN có cớ để tăng mạnh giá điện thời gian tới. Theo Quyết định 24/2011/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi tăng giá điện 5%, EVN sẽ được tự quyết. Nếu tăng trên 5% giá điện, EVN phải báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ. Thời gian tăng giá cách nhau tối thiểu 3 tháng.
Nếu giá điện tăng ngay trong thời gian tới sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng.Ảnh: Việt Hùng
Cần minh bạch thông tin
Nhiều chuyên gia kinh tế đã thể hiện quan điểm như vậy khi nói về cơ chế vận hành giá của các mặt hàng thiết yếu vốn còn mập mờ trong suốt thời gian qua. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, hiện nay giá điện vẫn chưa công khai, minh bạch. "Nếu EVN muốn tăng giá điện 3 tháng/lần thì tập đoàn này cũng phải công bố giá thành điện 3 tháng/lần để người dân nắm rõ" - ông Ngãi nói. Đồng thời, để cân đối được cả về mức tăng giá, tần suất tăng, thời điểm tăng giá, nên giao cho một cơ quan quản lý cấp trên thực hiện, thay vì để EVN tính toán và đề xuất như quy định hiện nay, dù là ở mức 5%.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh bày tỏ sự lo lắng cho "sức khỏe" của các DN nếu tới đây giá các loại hàng hóa đầu vào theo lộ trình lại tăng nữa, bởi hiện nay khó khăn đã quá nhiều. Nếu buộc phải tăng giá, các DN cần phải minh bạch hơn trong cách tính, đặc biệt, với các mặt hàng điện, gas, xăng dầu… Nhà nước cần tạo cơ chế cho nhiều DN tham gia để tạo ra thị trường cạnh tranh.
Còn ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc Bộ Tài chính bác đề xuất tăng giá xăng dầu của các DN đầu mối là một tin tốt đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, không có nghĩa, trong thời gian tới, giá xăng sẽ lại không xin tăng tiếp khi mà quyền tăng giá đã giao cho doanh nghiệp. Theo ông Phú, thay vì tăng giá nên tiếp tục dùng quỹ bình ổn và giảm thuế. "Khi giá các mặt hàng này tăng sẽ không tránh khỏi việc nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác tăng giá theo, phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức vừa phải sau Tết" - ông Phú đề xuất.