Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãi suất sẽ khó giảm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù lãi suất huy động chỉ mới tăng ở quy mô nhỏ và mức tăng không đáng kể, nhưng từ đây cũng đặt ra áp lực lãi suất trong thời gian tới, đặc biệt trước những dự báo diễn biến của tỷ giá và áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất sẽ rất khó giảm.

Tỷ giá “dậy sóng”
Gần đây, thị trường ngoại hối liên tục biến động. Sau một thời gian lực giằng co quanh mốc 22.770 đồng/USD, tỷ giá bật lên 22.870 đồng/USD, tiến gần đến 22.900 đồng trong những phiên gần đây, thiết lập mức đỉnh mới của tỷ giá trong năm nay. Với 5 phiên tăng liên tiếp, tỷ giá của các ngân hàng đã tăng tổng cộng 250 đồng, tương đương 1,2% so với tuần trước đó. Diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng biến động mạnh. Đồng USD đã tăng khoảng 0,6% trong tuần này và tăng 2% tính từ đầu tháng 2 so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác.
Cùng thời gian này, thị trường đón nhận báo cáo xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 2. Theo đó, cán cân xuất nhập khẩu trong kỳ thâm hụt gần 2,4 tỷ USD, “quét sạch” mức thặng dư của tháng 1 trước đó. Tuy nhiên, các ngân hàng dự báo, nhu cầu ngoại tệ của khách hàng vẫn khá cao, tỷ giá vẫn đang có xu hướng tăng dần. Trong khi đó, tỷ giá tăng cũng khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn, chỉ số giá nhập khẩu tăng lên từ đó phần nào cũng gây áp lực lên lạm phát.
 Hoạt động nghiệp vụ tại Chi nhánh NCB Hà Nội, phố Bà Triệu. Ảnh: Phạm Hùng 
Từ thực tế trên có thể thấy, tỷ giá và lạm phát sẽ tăng gánh nặng lên lãi suất. Đại diện nhiều ngân hàng cho biết, thanh khoản thị trường vẫn duy trì được sự ổn định tuy có sụt giảm nhẹ. Song họ dự báo giá vốn trên thị trường liên ngân hàng tuần tiếp theo sẽ không giảm và nhiều khả năng các giao dịch sẽ dao động quanh mức lãi suất trên 5%/năm. Và đáng chú ý, theo các ngân hàng, tín dụng hai tháng đầu năm đang tăng khá nhanh tuy NHNN chưa đưa ra con số chính thức.
Mục tiêu ổn định lãi suất có thể gặp nhiều thách thức, thậm chí lãi suất nhiều khả năng còn tăng. TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, một số yếu tố có thể đẩy lãi suất lên xuất phát từ bên ngoài và cả nội tại nền kinh tế. Cụ thể, với động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), sức mạnh USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá. Khi USD tăng giá, áp lực lên tỷ giá tiền đồng và lãi suất là khó tránh. Chính xu hướng này sẽ gây khó cho ngân hàng trong việc giảm lãi suất đầu ra.
Ngoài ra, một vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua đó là các chính sách dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây bất lợi với các quan hệ mậu dịch trên thế giới. Nếu Chính phủ Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch cực đoan, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị giới hạn rất nhiều.
Kinh tế thế giới dự báo sẽ có những biến động khó lường. Đồng nhân dân tệ đã bị phá giá một cách mạnh mẽ trong năm 2016 và có thể năm 2017 sẽ tiếp tục bị phá giá. Nếu điều này xảy ra, hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc sẽ trở nên rẻ hơn, làm tăng nhập siêu. Để kiểm soát nhập siêu từ Trung Quốc, tỷ giá buộc phải tăng. Với những dự báo như trên, điều kiện thị trường tài chính ở bên ngoài trong năm 2017 sẽ khó tạo điều kiện cho việc giảm mặt bằng lãi suất ở Việt Nam.
Tăng lãi suất huy động trở lại
Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Lãi suất phổ biến tại nhiều ngân hàng phổ biến ở mức 7,5%/năm ở kỳ hạn 13 tháng, 5,5% ở các kỳ hạn dưới 6 tháng… Không chỉ tung các chương trình khuyến mại, tăng lãi suất tiết kiệm, một số ngân hàng đang đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn (cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường) nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Thậm chí, nhân viên một số ngân hàng còn chào mời khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao hơn bảng niêm yết của ngân hàng từ 0,1 - 0,2%/năm. Sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh hút vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi dù phải trả lãi suất cao hơn chút so với phương thức tiết kiệm thông thường, được giới chuyên gia nhìn nhận, sẽ giúp ngân hàng yên tâm hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn. Bởi đặc điểm của loại giấy tờ có giá này là người mua không được thanh toán trước hạn.
Mặc dù NHNN khẳng định xu hướng tăng chỉ diễn ra ở một số ngân hàng nhỏ song theo TS Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), hiện nay lãi suất đang có sự phân hóa. Ở kỳ hạn ngắn, nhóm NHTM có vốn Nhà nước đang có lãi suất thấp nhất thị trường, với lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,3 - 4,8%/năm, kỳ hạn 6 tháng 5,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng trở lên từ 6,5-6,8%/năm. Nhóm NHTMCP lớn có sức khỏe tốt lãi suất ngắn hạn khoảng 4,7 - 5,2%/năm, và nhóm NHTMCP nhỏ hầu hết đang áp dụng lãi suất ngắn hạn kịch trần và lãi suất kỳ hạn dài cũng ở mức cao trên 7%/năm, thậm chí có NH áp dụng mức từ 7,6 - 7,9%/năm. Song trong điều kiện sức khỏe các NH chưa đồng đều nên các NH nhỏ luôn có xu hướng tăng lãi suất để cạnh tranh thu hút vốn.
“Đáng chú ý, nợ xấu vẫn là vấn đề đáng quan ngại. Với tình hình như hiện nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cũng không thể giải quyết được nhiều nợ xấu. Nếu vấn đề nợ xấu không được giải quyết triệt để các ngân hàng tiếp tục phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ đã bán cho VAMC. Từ đó, chi phí hoạt động sẽ phải duy trì ở mức cao và các ngân hàng khó có thể giảm lãi suất cho vay" - TS Bùi Quang Tín phân tích.
Một nhân viên tư vấn tại Techcombank cho biết: “Hiện lãi suất cho vay thông thường đối với khoản vay có thế chấp là 8,99% áp dụng cho ba tháng đầu tiên; từ tháng thứ tư trở đi, mức lãi suất giao động trong khoảng 12% - 13%/năm tùy theo tài sản thế chấp của khách hàng”. Như vậy, mức lãi suất cho vay như trên hiện đã cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 1% - 2%/năm. Giả sử khách hàng vay tại Techcombank một khoản trị giá 500 triệu đồng, tiền lãi hằng tháng phải trả đã là hơn 5 triệu đồng.
Muốn giảm lãi suất, NHNN đẩy thanh khoản, bơm lượng tiền lớn trong lưu thông, sẽ đẩy lãi suất xuống, giá vốn rẻ đi. Nhưng đẩy một lượng tiền lớn vào lưu thông sẽ đẩy lạm phát lên và như vậy không thực hiện được mục tiêu lạm phát dưới 4%. Đây là thách thức lớn đặt ra trong việc điều hành tỷ giá năm 2017.
Các NH phải áp dụng quy định của Thông tư 06 từ ngày 1/1/2017, đồng thời bước vào năm cuối cùng của việc trích lập dự phòng rủi ro bắt đầu từ năm 2013 và NH yếu kém tiếp tục tái cơ cấu. Những điều này cộng với tâm lý kỳ vọng lãi suất tiền gửi cao hơn của người gửi tiền, dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ khó giảm và gây thách thức đối với việc giữ ổn định lãi suất cho vay.
TS Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh

Mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tăng thêm 0,5 - 1%/năm. Với lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát trong nước thời gian tới sẽ rất khó để giảm lãi suất. Nới lỏng tiền tệ trong quá khứ đều gây ra lạm phát, bong bóng tài sản, nhập siêu và bất ổn tỷ giá. Do đó, năm 2017 cần duy trì chính sách tiền tệ cân bằng, trong đó tăng trưởng tín dụng cân bằng với tăng trưởng huy động và cung tiền dựa trên nền tảng cán cân thanh toán tổng thể dương. Tín dụng cần được tập trung cho các ngành sản xuất có sức lan tỏa và tỷ lệ nội địa hóa cao như nông nghiệp.
Phân tích của bản nghiên cứu mang tên “Câu chuyện 2017” của CTCK Sài Gòn (SSI).

Hiện công ty đang vay với lãi suất 8,5%/năm tại một NHTMCP. Với những người khi đi vay thông thường thì áp lực tới kỳ hạn trả nợ cũng đã nặng nề. Còn với những DN mà khoản vay lên tới cả chục tỉ đồng thì áp lực trả lãi hằng tháng càng khiến họ đau đầu. Chính vì thế, trước động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng khiến các DN nhỏ như chúng tôi phải đối diện với nỗi lo về việc trong tương lai gần có khả năng sẽ phải trả thêm lãi suất khi vay.
Giám đốc Công ty CP tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm Phạm Ngọc Thành

Nhằm hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, NHNN đã bơm ra 11.000 tỉ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 5%, lượng vốn chào thầu này được các tổ chức tín dụng ngay lập tức hấp thụ hết.