Quá tải hạ tầng
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 9,2 triệu phương tiện các loại đang hoạt động. Trong đó TP đang quản lý hơn 8 triệu phương tiện các loại, còn lại khoảng 1,2 triệu phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy) từ các tỉnh, TP khác.
Tốc độ gia tăng tiện giao thông cá nhân trên địa bàn Hà Nội từ 4 - 5%/năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện chỉ khoảng 0,35%/năm. Sự chênh lệch này khiến mật độ giao thông trên nhiều tuyến đường vượt quá lưu lượng thiết kế, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm.
Đơn cử, đường Vành đai 3 trên cao hiện có lưu lượng 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Lưu lượng phương tiện qua cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương đều gấp hơn 8 lần năng lực thiết kế...
Với số lượng phương tiện ngày càng gia tăng, tình trạng UTGT tại Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm giảm thiểu tình trạng UTGT như đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống vận tải hành khách công cộng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành giao thông….
Qua đó, nhiều điểm UTGT đã được giải quyết, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên lại phát sinh một số các điểm ùn tắc mới.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, một trong những nguyên nhân chính gây UTGT tại Hà Nội hiện nay là do hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện theo quy hoạch.
Cụ thể, mạng lưới các tuyến đường thuộc hệ thống hạ tầng khung vẫn chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch. Các tuyến đường hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh vẫn chủ yếu khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ hướng tâm hiện có.
Mặt khác, các dự án đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ theo dự kiến quy hoạch. Cá biệt, một số đoạn, tuyến đường chưa được đầu tư hoàn chỉnh dẫn đến thắt nút cổ chai, gây ra UTGT cục bộ như: Đường 70, Đường bao quanh khu tưởng niệm doanh nhân Chu Văn An, Đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy,…
Một nguyên nhân khác gây ra UTGT là do thi công các công trình trên đường gây thu hẹp mặt cắt như: dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; cầu vượt đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá;…
Làm trước mắt, nghĩ lâu dài
Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành chia sẻ: “Để giảm thiểu UTGT, các đơn vị chuyên môn đã đưa ra những giải pháp cơ bản, lâu dài về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời, cũng cần triển khai ngay các giải pháp trước mắt nhằm khai thác hiệu quả cao nhất hệ thống hạ tầng hiện có, cải thiện tình hình giao thông”.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông đã được xác định trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kết hợp cập nhật điều chỉnh danh mục.
Sở GTVT ưu tiên bổ sung danh mục chuẩn bị đầu tư để thực hiện trong giai đoạn trung hạn 2026 - 2030. Trong đó, Sở tập trung khép kín các tuyến đường Vành đai, hoàn thiện các tuyến quốc lộ hướng tâm tăng khả năng kết nối liên vùng.
Đồng thời hoàn thiện 4 tuyến hướng tâm kết nối nội vùng, phục vụ kết nối khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Bổ sung hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đuống kết nối khu vực 2 bên sông hiện còn thiếu.
Song song với đó, cần khắc phục tình trạng lưu lượng giao thông gây quá tải so với kết cấu hạ tầng hiện trạng. Sở GTVT sẽ rà soát, mở rộng tối đa mặt đường để tăng khả năng thông hành và diện tích đất dành cho giao thông.
Các đơn vị liên quan cần phối hợp, thường xuyên kiểm tra, rà soát để phát hiện và xử lý kịp thời các bất cập trong tổ chức giao thông. Đồng thời giải quyết các điểm ùn tắc, điểm đen về tai nạn, hạn chế việc hình thành các điểm UTGT phát sinh mới.
Cùng với đó, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông để điều tiết lưu lượng, phân luồng tổ chức giao thông tại các nút giao. Thực hiện công tác sửa chữa định kỳ nhằm đảm bảo êm thuận mặt đường.
Để hạn chế bất cập do thi công các công trình trên đường giao thông đang khai thác, Sở GTVT sẽ tổ chức phương án phân luồng giao thông hợp lý nhất. Đồng thời, Sở GTVT sẽ thường xuyên phối hợp với các chủ đầu tư để thu hẹp rào chắn theo tiến độ dự án, hạn chế tối đa việc rào chắn không thi công gây nên UTGT.