Vui chứ, sao lại sợ?
Không ít lần tôi nghe thấy các mẹ nói chuyện với nhau về nỗi lo âu khi chuẩn bị cho con đi học lớp 1. Sợ con quá nhỏ, đối mặt thế nào với các vấn đề của trường học? Sợ cô mắng, con bị stress. Sợ khi đứa trẻ nào vào lớp 1 cũng đã có một hành trang phong phú là biết đọc, biết viết, thậm chí biết cả làm toán, con mình sẽ ra sao?
Đối với một đứa trẻ 6 tuổi, bắt đầu đi học lớp 1 đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc sống mới. Đứa trẻ phải làm quen với môi trường mới, với cô giáo, bạn bè và quan trọng hơn cả là một "tư cách công dân" mới. Nghĩa là không còn được chơi nhiều như hồi mẫu giáo, là đến trường đúng giờ, là tuân thủ kỷ luật của trường của lớp, là học cách hòa đồng hoặc đối mặt với một đám đông là các bạn cùng lớp, cùng trường…
Tuy nhiên, đó chỉ là "ba cái chuyện lẻ tẻ" không đáng lo lắng thái quá. Các bậc phụ huynh chớ để cảm xúc tiêu cực lấn át cảm xúc tích cực lẽ ra phải có. Việc tạo cho trẻ cảm xúc vui vẻ, hào hứng quan trọng hơn là tìm lớp học thêm để học trước, lo sao cho khi vào lớp 1 con đã đọc thông viết thạo. Cả gia đình hãy luôn nhắc đến sự kiện con sắp vào lớp 1 với sự phấn khởi, thậm chí tỏ ra thán phục. Trẻ cần có ý nghĩ rằng: Em đã lớn! Cảm xúc tích cực và an tâm rằng bố mẹ luôn là người "hậu thuẫn", là "đồng minh" của mình… sẽ khiến trẻ bước vào chặng đường mới tự tin.
Hành trang cho bé
Làm thế nào để trẻ tự tin và vững tâm khi bước vào giai đoạn tới lớp? Có một vài cách thức khá đơn giản mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Thứ nhất, hãy cố gắng cùng con tìm cách "biết" nhiều hơn về môi trường mới, chuẩn bị tâm lý để con tự tin khi xung quanh là người lạ. Chẳng hạn, chơi trò: "Thế nhỡ?" - Thế nhỡ cô giáo mắng con thì con sẽ nói sao? Thế nhỡ có bạn trong lớp đánh con thì con phải làm sao? Thế nhỡ con muốn đi tè trong khi cô giáo đang giảng bài thì phải làm thế nào?... Bằng cách xây dựng trò chơi, trẻ sẽ không hoảng sợ mà hào hứng tìm các phương án giải quyết.
Thứ hai, hãy quan tâm nâng cao khả năng miễn dịch của trẻ, đồng thời cùng trẻ làm quen với chế độ sinh hoạt mới cho phù hợp.
Thứ ba, hãy tìm mọi cách hỗ trợ cho sự tự tin. Đó là quần áo đẹp đẽ, gọn gàng; sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ; tranh thủ làm quen với một vài bạn học cùng lớp… Trò chuyện với cô giáo và nhắc đến cô giáo hàng ngày ở nhà với sự thân tình, sẽ khiến trẻ an tâm hơn, tuyệt đối không đem cô ra dọa!
Thứ tư, rèn luyện thói quen ngồi yên và tập trung. Không nhất thiết phải ép con ngồi học mà con có thể thực hiện bất kỳ hành động gì, bài tập gì, miễn là ngồi được một chỗ chăm chú trong một khoảng thời gian nhất định mà không chán. Ví dụ, cùng chơi xếp hình, cùng vẽ với con, cùng đọc truyện xem tranh… ở bàn học chứ không phải dưới sàn nhà hoặc trên giường.
Thứ năm, chia sẻ, tâm sự nhiều hơn với con. Bố mẹ hãy chủ động kể cho con nghe những câu chuyện đi học của mình, tìm những chi tiết vui vẻ, hài hước khiến những buổi trò chuyện trở nên thú vị, nhẹ nhàng. Hưởng ứng cảm xúc của trẻ, đồng cảm với đánh giá của trẻ trước một sự việc nào đó: "Ừ, công nhận là thế thì buồn cười thật", "Con nói đúng đấy"…
Thứ sáu, bố mẹ có thể hướng dẫn con nhưng không nên tạo cho con một thói quen như một phản xạ có điều kiện: Cứ học là bố mẹ ngồi bên hoặc cứ bố mẹ ngồi bên thì mới học. Trẻ cần có góc học tập riêng, khoảng không gian riêng để con thử nghiệm, suy nghĩ, tư duy. Ở đó, con có thể viết xấu, viết sai, sau đó tự nhận ra cái xấu, cái sai và tự mày mò để sửa…
Và cuối cùng, hãy thư giãn cùng nhau. Bố mẹ hãy tâm niệm rằng: Lớp 1 quan trọng thật đấy, nhưng dù sao cũng mới chỉ là lớp 1. Phía trước là cả một quãng đời rộng lớn.