Lạm phát dự báo tăng mạnh nhất gần 40 năm, chứng khoán Mỹ lao dốc

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong ngày 9/12 khi các nhà đầu tư thận trọng trước dự báo lạm phát trong tháng 11 có thể chạm mức cao nhất kể từ năm 1982.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp, khi nhà đầu tư chuyển hướng chú ý sang báo cáo lạm phát sắp được công bố.
 Chỉ số Nasdaq Composite giảm gần 300 điểm trong phiên giao dịch ngày 9/12.
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones sụt gần 1 điểm còn 35.754,69 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,72% xuống 4.667,45 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,71% về còn 15.517,37 điểm. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số chính vẫn ghi nhận mức tăng từ đầu tuần đến nay.
Trong ba phiên trước, các chỉ số chứng khoán Mỹ đi lên khi nhà đầu tư vui mừng vì biến thể Omicron của COVID-19 có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với phán đoán ban đầu.
Ông Greg Bassuk, CEO công ty đầu tư AXS Investments nhận xét: "Chúng tôi cho rằng thông tin về Covid-19 vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư. Thị trường không chỉ dứt mạch tăng bùng nổ trong 3 phiên gần đây mà còn đang hướng sự chú ý đến các số liệu kinh tế để đánh giá xem liệu Cục Dự trữ Liên bang (FED) có đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chương trình hỗ trợ kinh tế hay không".
Một số cổ phiếu liên quan đến du lịch, vốn dẫn đầu đà leo dốc trong các phiên đầu tuần, đã sụt mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Cổ phiếu Carnival và Norwegian Cruise Line đều mất 1,6%. Cổ phiếu United Airlines sụt 1,7%. Cổ phiếu Expedia và Booking Holdings lần lượt hạ 1,5% và 1,7%.
Tuy nhiên, một số cổ phiếu trên thị trường vẫn ghi nhận kết quả tích cực. Cổ phiếu CVS tăng 4,5% sau khi công bố triển vọng lạc quan trước ngày hội đầu tư. Cổ phiếu nhà bán lẻ đồ nội thất RH cộng 5,4% sau khi báo cáo lợi nhuận bùng nổ và nâng triển vọng doanh thu.
Diễn biến ảm đạm trên sàn Phố Wall diễn ra một ngày trước thông tin quan trọng về lạm phát.
Dự kiến, trong ngày 10/12 (giờ Mỹ), Bộ Lao động sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11. Theo ước tính của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát, tỷ lệ lạm phát so với tháng trước sẽ là 0,7% và so với cùng kỳ năm ngoái là 6,7%. Nếu đúng như vậy, chỉ số CPI trong tháng 11 sẽ chứng kiến mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982.
Thị trường lo ngại việc lạm phát tăng cao sẽ khuyến khích FED  đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chương trình mua trái phiếu và sớm tăng lãi suất. Các quan chức cấp cao của FED sẽ họp vào giữa tuần tới và nhiều nhà đầu tư dự đoán ngân hàng T.Ư sẽ giảm dần chính sách hỗ trợ thanh khoản thực hiện từ đầu dịch đến nay.
Bước đầu tiên sẽ là đẩy nhanh tốc độ giảm mua trái phiếu hàng tháng, và giới đầu tư dự đoán FED sẽ tăng gấp đôi mức thu hẹp lên 30 tỷ USD. Điều này có thể mở đường cho việc tăng lãi suất ngay sau mùa Xuân năm 2022 và đánh dấu sự thay đổi chính sách mới nhất của FED dưới thời Chủ tịch Jerome Powell.
Nhà kinh tế học Veronica Clark của ngân hàng Citi nhận định: “Báo cáo lạm phát tăng kỷ lục trong tháng 11 sẽ càng thúc đẩy FED thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhanh hơn”.
Theo báo cáo được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 9/12, tuần trước có 184.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, thấp hơn so với mức 211.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo, đồng thời là mức thấp nhất trong vòng 52 năm qua.
Ngân hàng UBS lưu ý hôm 9/12: "Tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động đã giúp nhà đầu tư lạc quan hơn về tình hình vĩ mô. Tuy vậy, lạm phát lại đang ở mức cao nhất ba thập kỷ. Hiện tại lại thêm nguy cơ rủi ro từ biến thể Omicron, nhà đầu tư đang tự hỏi chính sách tiền tệ trong tương lai của FED sẽ như thế nào"./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần