KTĐT - Đây là 2 trong số những kết quả kinh tế - xã hội quan trọng của 3 tháng đầu năm được Bộ Kế hoạch & Đầu tư báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến của Chính phủ 18/3.
Theo báo cáo này, bất chấp tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực nhờ những động thái đúng lúc, đồng bộ của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Cụ thể, tốc độ tăng GDP quý một đạt 5,5%, xấp xỉ mức tăng trưởng cùng kỳ 2010. Xuất khẩu trong 3 tháng cũng tăng trưởng mạnh với mức tăng 31%, cao gấp 3 lần đề ra. Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước, tính đến hết tháng 2, tăng 17,6% so với cùng kỳ.
Về tiền tệ và tín dụng, nhờ các biện pháp đồng bộ về huy động vốn, cho vay, lãi suất và tỷ giá… thị trường tín dụng và ngoại hối đã dần đi vào ổn định. Tính đến 10/3, tổng dư nợ tín dụng mới tăng 3,68% (so với mục tiêu dưới 20% của cả năm). Tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7%. Mặt bằng lãi suất huy động giảm từ 16-17% xuống 13-14%.
Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng mặc dù đã có những biện pháp tích cực để kiềm chế nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý một vẫn tăng tới 6,1% so với thời điểm cuối năm 2010 (chỉ tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm là kiềm chế lạm phát dưới 7%). Riêng trong tháng 3, giá tiêu dùng đã tăng đến 2,2%.
Lạm phát tăng cao, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, theo Chính phủ, đã đẩy mặt bằng lãi suất cho vay lên cao, gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tuy vẫn được đánh giá ở mức khá, nhưng đã có dấu hiệu chậm lại.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng tình hình quý một vừa qua, bên cạnh những thuận lợi, còn tồn tại nhiều khó khăn lớn như giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, biến động chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông và mới đây là động đất, sóng thần ở Nhật… Trong khi đó, với điều kiện hội nhập sâu, Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng trong khi trong nước vẫn phải thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, giảm đầu tư công. Sản xuất, do đó, sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, trong hoàn cảnh như vậy, các cơ quan chức năng và toàn nền kinh tế phải biết tranh thủ thời cơ, phát huy thuận lợi để quyết tâm thực hiện bằng được các giải pháp Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 11 và Kết luận số 02 của Bộ Chính trị vừa qua. Đại diện Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương rà soát lại kế hoạch, chương trình hành động để đạt hiệu quả cao, tích cực chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất.
Đối với việc kiểm soát giá, Thủ tướng đề nghị các ngành, địa phương, trong thời gian tới phải tăng cường quản lý giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trong đó coi trọng giá thuốc, sữa, chống đầu cơ, nâng giá… Riêng đối với giá xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu dù khó khăn nhưng vẫn phải kiên quyết thực hiện theo cơ chế thị trường đi đôi với việc bảo đảm nguồn cung, tăng cường tiết kiệm trong sử dụng.
Về tiền tệ, Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo việc bảo đảm tổng dư nợ tín dụng không quá 20%, dành nguồn vốn cho sản xuất và kiểm soát lãi suất ở mức phù hợp. Thủ tướng yêu cầu kiên quyết thực hiện tốt việc quản lý thị trường ngoại hối, quản lý thị trường vàng theo lộ trình phù hợp theo kinh tế thị trường, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài Chính có kế hoạch bảo đảm thu chi, nhất là tiết kiệm chi 10%, nỗ lực giảm bội chi. Đại diện Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì việc rà soát các danh mục, dự án để cắt giảm đầu tư công. Các bộ ngành, địa phương đảm bảo ưu tiên nguồn vốn, nguồn điện cho các dự án, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương kiểm soát chặt việc cung ứng điện trong năm 2011, tăng cường tiết kiệm điện, tạo mọi điều kiện thúc đẩy xuất khẩu.
Cuối cùng, Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị phải quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân trong tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, hỗ trợ đối với người nghèo, các đối tượng chính sách... Lưu ý công tác phòng chống thiên tai vì năm nay, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp.