Báo cáo của ADB cho biết, GPD của Việt Nam tăng trưởng 4,9% trong quý đầu tiên của năm 2013, tuy có cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng không nhiều. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,9% và doanh số bán lẻ thực chỉ tăng trưởng 4,5% cho thấy có sự giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Dựa vào những yếu tố đó, ADB dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2013 và tăng lên 5,6% trong năm 2014 nếu đạt được tiến bộ trong việc củng cố khu vực ngân hàng và các ngành công nghiệp lớn lấy lại được đà phát triển. Lạm phát dự báo sẽ giảm nhẹ xuống mức trung bình 7,5% trong năm 2013, trước khi tăng lên đến 8,2% trong năm 2014.
Đánh giá về tình hình tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam chỉ rõ: "Tăng trưởng GPD trong năm 2012 đạt mức thấp nhất trong 13 năm qua. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp buộc các cơ quan chức năng áp dụng nới lỏng chính sách tiền tệ, song tăng trưởng tín dụng vẫn bị hạn chế bởi sự không chắc chắn về tình hình tài chính của hệ thống ngân hàng. Sự phục hồi kinh tế phụ thuộc vào việc đẩy mạnh các chương trình cải cách hệ thống ngân hàng và DNNN".
Đáng lạc quan là Việt Nam vẫn là một điểm thu hút đầu tư nước ngoài, với lợi thế là sự gia tăng dân số trong độ tuổi lao động và chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, ông Dominic Mellor, Chuyên gia kinh tế Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cảnh báo, chỉ số xếp hạng cạnh tranh toàn cầu cho một số tiêu chí như ổn định vĩ mô, cơ sở hạ tầng và giáo dục của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước khác trong khu vực. Trong khi cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng khó khăn hơn, do đó Việt Nam cần có những cải cách hiệu quả. Nếu không cẩn trọng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể rời khỏi Việt Nam.
Theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013 sẽ đạt 5,2% trong năm nay. Ảnh: Trần Việt
Hỗ trợ bất động sản cần đúng đối tượng
Sự phục hồi của thị trường bất động sản có thể giảm bớt áp lực đối với các ngân hàng thương mại, ít nhất trong thời gian trước mắt. Tháng 1/2013, Chính phủ đã công bố gói các biện pháp nhằm vào các dự án nhà ở xã hội đi kèm hỗ trợ lãi suất cho vay thế chấp dành cho người có thu nhập thấp và công chức, giảm tiền thuê đất, hoãn nộp phí sử dụng đất, giảm thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng.
Đánh giá về gói hỗ trợ bất động sản, ông Dominic Mellor cho rằng, giá bất động sản tiếp tục đi xuống ở 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Gói hỗ trợ về nhà ở được Chính phủ đưa ra không đủ lớn để thị trường bất động sản phục hồi mà chỉ góp phần hỗ trợ an sinh. Gói hỗ trợ sẽ có tác động đảm bảo an sinh nếu Chính phủ xác định đúng đối tượng. Chính phủ không có lý do để cứu các DN bất động sản yếu kém mà nên để các DN này tự phá sản. Nên hướng tới đối tượng dễ bị tổn thương (người thu nhập thấp). "Việc cải cách cần mang tính chiến lược và có chọn lọc bởi không thể thực hiện cùng một lúc do không đủ nguồn lực. Nên chọn một số DNNN để tái cơ cấu, qua đó tạo đà cho cả quá trình. Việc lựa chọn có thể xác định bằng cách xác định ngành nào, lĩnh vực nào quan trọng mà các DNNN vẫn duy trì vai trò, qua đó hỗ trợ tái cơ cấu. Hoặc xác định DNNN nào có ảnh hưởng tiêu cực tới ngân sách để thực hiện tái cơ cấu" - Ông Dominic Mellor nhận định.
Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á 2013 do ADB công bố dự báo mức tăng trưởng GDP của khu vực châu Á đang phát triển sẽ là 6,6% trong năm 2013 và 6,7% trong năm 2014; Các hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn sẽ kích thích sức ép mới lên giá với việc lạm phát sẽ tăng từ 3,7% trong năm 2012 lên 4% trong năm 2013 và 4,2% trong năm 2014. Áp lực này hiện vẫn có thể kiểm soát được, tuy nhiên Chính phủ các nền kinh tế khu vực châu Á đang phát triển cần phải giám sát một cách chặt chẽ, đặc biệt khi nguồn vốn chảy vào khu vực tăng lên làm dấy lên lo ngại về khả năng tạo ra “bong bóng” trên các thị trường tài sản. |