Người có công đầu tiên trong việc này là ông Bùi Trung Sử, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận, nguyên cán bộ ngành Công an đã nghỉ hưu.
Ông Bùi Trung Sử, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Thượng, xã Tây Tựu.
Trước đây, người dân thôn Thượng nói riêng và xã Tây Tựu nói chung rất nặng nề trong chuyện hiếu, hỉ. Nhà nào cũng vậy, khi có người thân qua đời, nhất nhất nội ngoại, thông gia, bạn bè thân hữu gần xa hễ ai đến viếng là đều ăn uống. Đám tang nào ít nhất cũng hàng trăm mâm, gia đình nào đông thì phải hai trăm, thậm chí ba trăm mâm mới đủ. Cái nghèo cũng vì thế mà cứ níu kéo mãi người dân nơi đây.
Vốn là cán bộ của Cục Cơ yếu - Bộ Công an, nên khi về hưu tham gia công tác tại thôn Thượng, ông Sử đã nghĩ ngay tới việc phải cố gắng tuyên truyền, vận động nhân dân sớm bỏ cái hủ tục lạc hậu này. Biết đây là một việc làm khó, bởi nó là thói quen đã đi vào nếp sống, nếp nghĩ người dân. Nhưng nhớ tới 6 Điều dạy Công an nhân dân của Bác và bản lĩnh của người cán bộ công an, ông Sử không nao núng và cơ hội đã đến khi ông được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ thôn rồi Trưởng tiểu ban xây dựng NTM.
Sau khi bàn với Chi ủy, Ban công tác mặt trận, ông đã thành lập Ban tang lễ gồm Bí thư chi bộ, Trưởng, phó thôn, trưởng các chi hội Người cao tuổi, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân... Để nâng cao vai trò gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương này, ông và các cán bộ thôn đã vận động các gia đình cán bộ, công chức, đảng viên làm trước. Ông cũng đưa các nội dung thực hiện tang văn minh, tiến bộ ra cuộc họp dân và được phần lớn nhân dân đồng tình, ủng hộ. Ban nhạc hiếu thôn được thành lập, giúp giảm chi phí đi thuê cho bà con và Ban tang lễ cũng chủ động hơn khi trong thôn có việc tang. Khi biết tin gia đình nào ở thôn có người qua đời thì tổ công tác sẽ đến nhà chia buồn và vận động gia đình không để người chết quá 48 tiếng, không ăn uống linh đình trong và sau lễ tang, khuyến khích hỏa táng. Ban tang lễ thôn còn làm chủ lễ tang thay cho gia đình, từ khâu mời vào viếng đến mời ăn trầu, uống nước, và tuyên truyền với những người đến viếng về việc không nên ăn, uống trong đám tang.
Thời gian đầu, tổ công tác của ông Sử gặp không ít khó khăn. Đó là sự dèm pha sau lưng hoặc phản đối trước mặt của một số người khiến không ít thành viên dao động, thậm chí rút lui. Một số gia đình có đám không thực hiện, nhất là những gia đình có tổ to, họ lớn. Thế nhưng, bằng sự chân thành, kiên quyết và khéo léo, tổ công tác đã thuyết phục được những người đến viếng. Vì vậy, có gia đình đã mua đến 120 lít rượu cho khoảng 200 mâm cỗ, cuối cùng chỉ dùng hết 30 lít. Từ thành công ban đầu này, ông và các cộng sự đã tìm thấy nút thắt của vấn đề, đó là "làm vì nhân dân thì không ngại". Sau khi tổ chức thành công 4 đám tại thôn Thượng, ông trực tiếp đề nghị với Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo thôn Trung và thôn Hạ cùng vào cuộc. Nhờ vậy, đến thời điểm này, gần 100% đám tang trên địa bàn Tây Tựu đã được thực hiện theo hướng văn minh, tiến bộ, không còn tổ chức ăn uống linh đình.
Dù mái tóc đã nhiều sợi bạc, khuôn mặt cũng hằn nhiều nếp nhăn, nhưng ông Sử vẫn còn ấp ủ nhiều dự định cho dân, cho xã. Đó là tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện việc cưới văn minh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3… Ông bảo, cứ nhớ lời Bác dạy: Kính trọng, lễ phép với dân; tận tụy với công việc thì việc của dân có khó mấy cũng làm được. Gần tuổi 70, ông vẫn từng ngày sống vui, sống khỏe, sống có ích và là một Bí thư chi bộ gương mẫu được cán bộ và nhân dân tin tưởng, nể trọng.