Tổng kết dữ liệu đăng ký của Đan Mạch gồm 45.658 trẻ em lên 7 tuổi và mẹ của chúng cho thấy 18,6% trẻ em có mẹ phơi nhiễm các phần tử và chất kích thích có trọng lượng phân tử thấp tại nơi làm việc trong thời gian mang thai bị hen so với tỷ lệ 16,1% trong dân cư nói chung. Trong nghiên cứu này, TS Berit Christensen và các cộng sự đã căn cứ vào tên công việc của các bà mẹ để ước tính mức độ tiếp xúc của họ với các chất gây ô nhiễm tại nơi làm việc. Sau khi hiệu chỉnh về độ tuổi, chỉ số khối cơ thể, dị ứng, tăng huyết áp, hút thuốc lá, sử dụng thuốc và nuôi thú cưng, các nhà nghiên cứu thấy rằng nguy cơ bị hen cao hơn khoảng 11% ở những trẻ có mẹ bị phơi nhiễm với các phần tử có trọng lượng phân tử thấp và cao khi mang thai. TS Christensen nói: “Đây là nghiên cứu có quy mô lớn đầu tiên cho thấy mối quan hệ giữa việc tiếp xúc với chất gây ô nhiễm ở phụ nữ mang thai và bệnh hen ở con”. Nghiên cứu, do các nhà khoa học thuộc Trường Y tế Công cộng ở Đan Mạch tiến hành, đã được trình bày trong Hội nghị thường niên của Hiệp hội Hô hấp châu Âu tại Amsterdam.