Một lần, tôi đặt cho chủ tịch Hội đồng Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi một câu hỏi: “Làm “vua bóng đá” xứ mình sướng hay khổ?”. Chẳng cần nghĩ ngợi, ông Mùi nói ngay: “Lúc sướng rất sướng, mà lúc khổ cực khổ”. Cái sướng mà ông Mùi nói đến không liên quan gì tới chuyện quyền lực hay tiền bạc, mà là “được làm vua có nghĩa là được thỏa lòng đam mê”. Quả thật, ở xứ mình, nhiều người mê người “làm vua” lắm. Cựu trọng tài Đoàn Phú Tấn - con trai của thi sĩ Đoàn Phú Tứ chẳng hạn. Ông Tấn hồi trẻ vốn là một giáo viên dạy Toán huyện Đông Anh (Hà Nội), thế mà chiều thứ Bảy hàng tuần, ông vẫn lọc cọc đạp xe hàng chục cây số về sân Hàng Đẫy sắm vai “vua”. Ngay cả với ông Mùi - vị “Vua của các Vua” bây giờ cũng thế. Ít ai biết rằng, trước năm 1975, ông Mùi là một sinh viên luật, và sau này ông cũng có rất nhiều cơ hội để đi theo ngành luật. Thế nhưng vì máu bóng đá, và máu cái nghề làm “vua” quá mà ông đã bỏ tất cả để đi theo nó. Rõ ràng, được làm nghề mình yêu là một hạnh phúc mà không phải bất cứ ai trong cuộc đời này cũng thực hiện được.
Thế nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc, sung sướng ấy lại là rất nhiều cái “khổ”, trong đó có những cái khổ khiến người ngoài nhìn vào phải rơi nước mắt. Cách đây 4 năm, khi vụ án trọng tài nổ ra, khi một loạt ông “vua” phải đứng trước vành móng ngựa thì nhiều người trách “vua” nhưng cũng nhiều người hiểu mà ái ngại cho “vua”. Hiểu vì xét cho cùng “bóng đá Việt Nam ngày ấy nó thế”, và vì “động tới ai người ấy rụng”, chứ bản thân các “vua” cũng không nghĩ là mình phạm luật.
Nếu đấy là những câu chuyện vĩ mô, những câu chuyện mà hậu thế chắc chắn sẽ còn tranh cãi nhiều, thì lại có những câu chuyện khác dễ được đồng cảm hơn. Chẳng hạn như chuyện “vua” Dương Mạnh Hùng từng bị cầu thủ Đào Thế Phong của Hải Phòng “phun mưa” vào mặt, trọng tài Lê Văn Thành bị cầu thủ Hà Hoàng Đảm của Thanh Hóa vái sống ngay giữa thanh thiên bạch nhật, hay “vua” Dương Văn Hiền phải may mắn lắm mới thoát ra khỏi cảnh “hỗn quân hỗn quan” trong một vụ bạo động trên sân Thanh Hóa. Mùa giải 2006/2007, một tuần sau vụ bạo động ấy, tôi đã ngồi cùng ông Dương Văn Hiền rồi chứng kiến “vua” vừa kể chuyện vừa rơm rơm nước mắt. Ông Hiền nói rằng, khi lực lượng công an Thanh Hóa dìu ông tới thị xã Bỉm Sơn, biết chắc là mình đã “thoát” thì bỗng nhiên ông thấy nhớ và thương vợ ghê gớm. Vài ngày sau, khi về nhà gặp vợ, ông đã nhận được một lời khuyên: “Anh bỏ nghề đi”. Mà trong thoáng chốc, ý nghĩ “bỏ nghề” đã hiện lên trong đầu ông. Thế nhưng xét cho cùng, “mình đã nguyện theo nó sao lỡ bỏ giữa đường” - ông Hiền tâm sự.
Hiển nhiên, cũng phải thừa nhận là có những thời điểm, một vài ông “vua” nào đó đã tác oai tác quái với một vài đội bóng nào đó, cho nên những lời chỉ trích cũng không phải là vô cớ. Song nhìn chung, làm “vua” xứ mình, dường như khổ nhiều hơn sướng.
Một đội bóng chơi không thành công, người ta dễ dàng “nổi cơn tam bành” lên “vua”, bởi đổ lỗi cho “vua” chính là sự đổ lỗi dễ dàng nhất. Một pha bóng không rõ trắng - đen, các CĐV cũng dễ dàng tấn công “vua” bằng mọi cách. Thế nên ở sân Long An đã từng có “vua” bị ném đá tới chảy máu đầu, và mùa giải gần nhất, ở sân Lạch Tray cũng lại có “vua” bị ném trúng bằng một chiếc điện thoại. Xa hơn, năm 1996, trong trận Vĩnh Long - Công An Hà Nội thì “vua” Trương Thế Toàn còn bị rượt đuổi hệt như người ta đuổi một tên… ăn trộm.
Những người làm chương trình “Gặp nhau cuối tuần” của Đài Truyền hình đã từng lấy lại hình ảnh này, giúp cho những khán giả có một tràng cười khoái chí. Nhưng nào ai biết, khi những khán giả cười cũng là lúc những ông “vua” lại âm thầm nuốt nước mắt vào trong.
Nghề làm “vua” bóng đá xứ mình là vậy đấy!