Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làn sóng trẻ hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu sau khi đăng quang ngôi vô địch AFF Cup, HLV Kiatisak của tuyển Thái Lan bày tỏ ý nguyện cùng các nhà cầm quân khác thực hiện một cuộc cách mạng về nhân sự. Vị HLV tuyển Thái Lan cho rằng, muốn nâng tầm phát triển, bóng đá Đông Nam Á chỉ có một con đường là trẻ hóa toàn diện.

Cần một thế hệ mới

HLV Kiatisak cho biết: "Chúng ta phải cùng trưởng thành và bắt đầu thách thức các đội bóng hàng đầu thế giới". Thế nhưng, theo như ông Kiatisak, để hoàn thành tham vọng lớn, bóng đá Đông Nam Á phải xây dựng được một lối chơi mới, một tư duy chơi bóng hiện đại chứ không thể mãi đi theo lối mòn cũ.

 
HLV Kiatisak của tuyển Thái Lan.
HLV Kiatisak của tuyển Thái Lan.
Cái lối mòn mà ông Kiatisak nói đến chính là những sản phẩm chưa đạt chuẩn của bóng đá Đông Nam Á trong suốt một thập niên qua. Dù đã có được nhiều sự đầu tư, nuôi tham vọng lớn, song các nền bóng đá hàng đầu khu vực vẫn không hoàn thành ý nguyện của mình. Thái Lan thậm chí còn chưa vươn ra được đấu trường châu lục chứ nói gì đến mục tiêu lớn World Cup. Singapore cũng chán ngấy với niềm hạnh phúc được vay mượn từ lực lượng cầu thủ nhập tịch. Malaysia - đội bóng thành công nhất Đông Nam Á trong 5 năm qua cũng không thể vượt qua khỏi ao làng Đông Nam Á.

Với một tư duy mới, người Thái đã đặt niềm tin vào một thế hệ cầu thủ mới. Họ loại bỏ lứa cầu thủ vốn là hiện thân của thất bại trong hành trình hướng đến tương lai. Kiatisak đã chấp nhận rủi ro để đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ vốn không chịu ám ảnh bởi thất bại trong quá khứ. Cuối cùng, những cầu thủ trẻ ấy đã mang đến cho bóng đá Thái Lan thành công vang dội. Họ sẽ là nền tảng để nền bóng đá hàng đầu khu vực hướng đến những đấu trường lớn là Asian Cup và World Cup tới đây.

Thành công của người Thái trở thành chất xúc tác cho bóng đá Singapore và Malaysia thực hiện công cuộc trẻ hóa đội hình. Dollah Shalleh (Malaysia) và Aide Iskandar (U23 Singapore) đã thống nhất với Zico Thái về tư tưởng sẽ xây dựng một đội ngũ mới với tư duy chơi bóng mới. Họ cho rằng, đó là con đường duy nhất để bóng đá Đông Nam Á tiệm cận với đấu trường lớn.

Việt Nam không thể khác

Thực ra, một trong những dấu ấn lớn nhất mà ông Miura tạo ra sau 6 tháng làm việc ở Việt Nam không phải là tấm HCĐ AFF Cup mà chính là đã bắt đầu một cuộc cách mạng về nhân sự ở đội tuyển. Dù vẫn còn vài cầu thủ trụ cột đã đăng quang ngôi vô địch AFF Cup 2008, nhưng tuyển Việt Nam dưới thời ông Miura đã được trẻ hóa triệt để. Việc trọng dụng những cầu thủ trẻ, giàu sức chiến đấu đôi lúc khiến các cựu binh tự ái, nhưng giới chuyên môn cho rằng, đó là cách tiếp cận vấn đề rất đúng.

Với những cầu thủ cũ, tuyển Việt Nam không thể tạo ra sức bật và yếu tố bất ngờ trong chuyên môn. Những bài miếng của các cầu thủ này đã bị đối phương nắm hết. Và lúc này đội tuyển cần một thế hệ cầu thủ mới không chỉ tốt về thể hình, thể lực mà còn phải vững vàng về tâm lý thi đấu.

AFF Cup chứng kiến sự trẻ hóa đáng kể ở tuyển Việt Nam. Và giờ, ông Miura nhận được "lệnh" từ VFF là phải xây dựng thành công một đội tuyển trẻ, trong sạch. Thậm chí, VFF chấp nhận thất bại ở những giải đấu tới đây để hoàn thành mục tiêu, vài năm tới, tuyển Việt Nam sẽ lên đỉnh khu vực.

Có ý kiến cho rằng, trẻ hóa triệt để khi các cầu thủ kỳ cựu vẫn có thể thi đấu thể hiện quan điểm khá tiêu cực, vội vàng. Nhưng, giới chuyên môn lại khẳng định, muốn có được một đội bóng tốt thì nhân sự phải được đầu tư một cách bài bản, dài hạn. Vậy nên, ngay từ lúc này, nuôi tham vọng lớn từ một đội ngũ mới mẻ, trẻ trung và nhiệt tâm là điều rất cần thiết.