Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa chất men giàu cảm xúc từ “Hà Nội dấu yêu”

Bài và ảnh: Minh Phúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/9 tại Laca cafe (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội), nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo đã buổi giao lưu ra mắt sách và triển lãm ảnh “Hà Nội dấu yêu” (My dear Hanoi).

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Tháng sách Phương Nam giữa lòng phố cổ Hà Nội” do Công ty CP Văn hóa Phương Nam tổ chức.
Mỗi khi nhắc đến Nguyễn Hữu Bảo, người ta thường nhắc tới ông như một thương hiệu ảnh về Hà Nội, nhất là những khu phố cổ. Những bức ảnh với gam màu đen –trắng, những giai điệu của sắc độ đậm nhạt khác nhau trên ảnh không chỉ cho thấy tay nghề của người chụp mà còn thấy được chiều sâu của sự vật, không bị tác động bởi màu mè pha loãng tâm can người xem. Nó giống như một lời nói thẳng trong giao tiếp ngôn ngữ.
 Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ tại buổi giao lưu ra mắt tuyển tập sách ảnh “Hà Nội dấu yêu”.
Nhiếp ảnh gia Hữu Bảo định làm một tổng thể ảnh đồ sộ để cho ra đời vào đúng dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhưng vì thời gian quá gấp, khối lượng công việc nhiều nên cuối cùng tập sách ảnh đành phải nằm lại trong niềm nuối tiếc. Để rồi, 6 năm sau, vẫn với tình yêu ấy, ông tiếp tục công việc lựa chọn, biên tập từ kho ảnh hàng ngàn bức đã chụp từ cách đây rất lâu để cho đời cuốn sách “Hà Nội dấu yêu”.

Có mặt tại buổi giao lưu sách, Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những bức ảnh của Hữu Bảo không chỉ chụp ra để thoả mãn nhu cầu mà trên cả nó đã trở thành nguồn sử liệu vô cùng quan trọng. “Có lẽ Hữu Bảo là người Hà Nội, sống ngay giữa lòng Hà Nội của một thời nhiều biến động. Sự thẩm thấu tự nhiên với những gì gần gũi xung quanh anh thông qua chiếc máy ảnh, không chỉ làm công việc thỏa mãn hứng thú riêng của người cầm máy mà còn khiến tôi mất không ít thời gian để thấy được hoặc liên tưởng tới điều gì đó qua từng bức ảnh, từng cụm ảnh nhiều khi tưởng như vô tình”.

“Với bộ ảnh “Hà Nội dấu yêu”, công chúng sẽ được nhìn ngắm một Hà Nội “không dàn dựng, không hư cấu”. “Trắng - đen với những giai điệu của sắc độ đậm nhạt khác nhau trên ảnh không chỉ cho thấy tay nghề của người chụp mà còn thấy được chiều sâu của sự vật, không bị tác động bởi màu mè pha loãng tâm cảm người xem. Nó giống như một lời nói thẳng trong giao tiếp ngôn ngữ” - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ thêm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Có thể nói, những bức ảnh của Hữu Bảo đã làm được một phần vô cùng quan trọng, đó là tái thiết lại cuộc sống ở Hà Nội những năm trước đây. Ngắm bức ảnh của anh, chúng ta có cảm nhận rằng, Hà Nội dường như đang bị trôi dạt, lẩn khuất đâu đó; có khi như tỏ như mờ, như ẩn, như hiện, rồi chợt biến mất trong một thoáng bâng khuâng để lại trong lòng mỗi người niềm nuối tiếc và đau đớn khó tả”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh lại thấy Hữu Bảo đã yêu Hà Nội từ đôi mắt của chàng trai khi nhìn một cô gái. Phải yêu lắm, thổn thức lắm, tha thiết lắm, sống hết mình với Hà Nội mới thực sự chụp được những bức ảnh vô giá đến như thế. Có lẽ rồi đây khi cầm trên tay tập sách này, người ta sẽ chợt nhận ra một điều gì đó về Hà Nội. Có thể là bây giờ cuộc sống Hà Nội đã khác xưa rất nhiều, mất đi nhiều nét nguyên sơ, cổ kính, lịch thiệp, trang nhã nhưng qua tay nghề cầm máy cùng một năng cảm nghề nghiệp, ta lại thấy một Hà Nội sống dậy như một vẻ đẹp trong sáng không bao giờ mất.

Còn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận xét: “Hà Nội dấu yêu là tập ảnh ký sự về đời sống, con người và phong cảnh Hà Nội trong thời hiện tại (chừng 30 năm gần đây)... Đời sống Hà Nội trong các bức ảnh của Nguyễn Hữu Bảo phản ảnh nỗi lòng, tâm sự và thẩm mỹ của anh và tầng lớp trung lưu thị dân sống ở Thủ đô mà anh thuộc lòng… Những bức ảnh đen trắng của Nguyễn Hữu Bảo bộc lộ một kiểu tình yêu Hà Nội thường trực, có cả đau đớn lẫn sự thỏa mãn, khoái chí đan xen nhau”.

Mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Với “Hà Nội dấu yêu”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo sẽ kể cho chúng ta nghe những câu chuyện về Hà Nội. Một Hà Nội mà ai đã sống, sẽ thấy bùi ngùi; đã yêu, sẽ day dứt. Hay nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, “Hà Nội dấu yêu” khiến mọi người “không thể xem nhanh”. Bởi những tấm ảnh của Nguyễn Hữu Bảo “sẽ lan tỏa đến với người xem như một chất men, làm nung nấu trong mỗi con người của các thế hệ khác nhau một tình cảm mà người nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa này đã gửi gắm ở tên gọi giản dị nhưng rất đỗi chân thành trong cuốn sách ảnh đầu tay của mình: Hà Nội dấu yêu”.

Cuộc sống Hà Nội vững chãi đi lên, vui với mỗi ngày mới và tin tưởng ở tương lai, khiến nhiều lúc chúng ta tưởng Hà Nội mà chúng ta yêu ở vào thời kì nào xa xôi lắm. Hà Nội mãi trở thành thành phố giàu tính chất nhất nước. Qua tập sách ảnh của nhiếp ảnh gia Hữu Bảo, chúng ta yêu mỗi viên gạch xưa, mỗi nét kiến trúc cổ, yêu cả những cái không còn dấu vết. Bởi một điều, Hà Nội thân yêu đã gắn liền với chúng ta với bao lớp người đã sống. Chúng ta yêu Hồ Gươm, Hồ Tây như yêu đôi mắt người thương, yêu bóng cây xanh ôm lấy cuộc đời, thủ thỉ với ta, thân nhau từ thủa nhỏ.