Lan tỏa nếp sống văn minh qua mô hình "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp"

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp" đã có nhiều mô hình lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh trong cộng đồng như: văn minh trong việc cưới, việc tang; phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp với môi trường; thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng...

Góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu

Là một hình điển hình trong thực hiện mô hình phụ nữ ứng xử đẹp với môi trường, Chi hội Phụ nữ xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn gây ấn tượng mạnh bởi triển khai có hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn, góp phần vào xây dựng nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu.

Chia sẻ về quá trình vận động làm chuyển biến nhận thức, thay đổi thói quen của hơn 2.200 hộ dân trên địa bàn, chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn cho biết, từ năm 2021 Hội LHPN xã đã xây dựng Đề án mô hình phân loại xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình với mong muốn tạo ra môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho người dân.

Phụ nữ xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình
Phụ nữ xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình

"Ban đầu, khi chúng tôi tới vận động, mọi người còn tỏ thái độ không hợp tác và bảo "các chị cứ mất thời gian, chỉ nâng cao quan điểm". Sau khi chúng tôi phân tích rằng, thực tế việc phân loại rác mọi người đều đã thực hiện, nhưng không để ý, ví dụ như tận dụng rác hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân hữu cơ cải tạo đất. Khi chúng tôi phân tích như vậy thì người dân đã chú ý hơn tới công việc hàng ngày mình làm" - chị Thắm chia sẻ.

Với phương châm "mưa dầm thấm lâu", các hội viên Hội LHPN xã Phù Linh đã kiên trì phân tích, tuyên truyền để người dân quan tâm, sau đó hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác. Trước khó khăn từ thực tế đặt ra đòi hỏi Hội LHPN phải linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai, bởi có những hộ gia đình không có diện tích đất để xử lý tại nhà hoặc không có diện tích đất chăn nuôi thì không có chỗ tiêu thụ rác hữu cơ sau khi phân loại thành phân bón. Hội LHPN đã liên hệ với các hộ gia đình có đất vườn, ruộng có nhu cầu cải tạo đất để tập hợp lại xử lý rác hữu cơ nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng rác thải hữu cơ để bảo vệ môi trường.

Khi đã hiểu được ý nghĩa của đề án trong việc thay đổi cảnh quan môi trường sống nên mọi người dân đều đồng thuận thực hiện, với 100% hội viên phụ nữ tích cực vào cuộc tham gia. Đến nay, trên địa bàn xã có 2.200 hộ dân tham gia phân loại rác thải tại nguồn; 400 hộ gia đình thực hiện mô hình "5 có, 3 sạch"; ra mắt mô hình Di tích lịch sử kiểu mẫu tại Đền Sóc.

Rác hữu cơ được phụ nữ xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn tận dụng để làm phân bón cải tạo đất
Rác hữu cơ được phụ nữ xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn tận dụng để làm phân bón cải tạo đất

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Linh, từ khi triển khai mô hình "Phụ nữ Thủ đô" ứng xử đẹp đã tạo biến chuyển lớn, phụ nữ Phù Linh có nhận thức, kiến thức trang bị phù hợp với bản thân, nhiều gương phụ nữ điển hình trong ứng xử hàng ngày được biểu dương, lan tỏa; thay đổi hành vi ứng xử văn minh tuyên truyền đến cộng đồng nói chung chứ không riêng trong hội phụ nữ. Đặc biệt đã thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn. Từ những kết quả đó, năm 2022 và 2023, Phù Linh là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Sóc Sơn được Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn là đơn vị xây dựng nông thôn mới nâng cao kiểu mẫu.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Triển khai thực thực hiện các nội dung của cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” giai đoạn 2022 - 2026 đã có nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả được triển khai và nhân rộng, tạo sự chuyển biến cụ thể. Nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô đã có những chuyển biến khá tích cực; góp phần vào việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Được biết đến là đơn vị điển hình về triển khai hiệu quả mô hình tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Hội LHPN quận Ba Đình đã tạo nên mô hình tổ dân phố văn hoá kiểu mẫu, công trình kiểu mẫu... có sự hài hòa về lợi ích của cộng đồng.

 Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn
 Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn

Bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình cho biết, để triển khai xây dựng tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu, Hội đã bám vào 2 bộ Quy tắc ứng xử của TP, trong xác định vai trò của phụ nữ; cùng phối hợp với Đảng, chính quyền thực hiện để lan tỏa mô hình.

"Trong quá trình triển khai khó nhất là việc lựa chọn hướng đi làm sao công trình bền vững, được nhân dân ủng hộ; làm sao công trình sống và trở thành công trình điểm của kiểu mẫu, phải được cộng đồng công nhận. Trước tiên là phụ nữ công nhận thì mới đóng góp xã hội hóa xây dựng công trình" - Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình chia sẻ.

Sau khi thống nhất lựa chọn mô hình phù hợp từng địa bàn thì thách thức đặt ra là sân chơi khu tập thể bị lấn chiếm nhảy dù thành chợ, nơi trông giữ xe của một số hộ đã lâu, nếu dẹp đi để lấy lại sân chơi thì ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân; phải thuyết phục được người dân cùng làm.

Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn
Chị Nguyễn Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn

Đồng thời, thách thức nữa là tốc độ phát triển của đô thị không phải lúc nào cũng sạch, gọn làm sân chơi được, nên Hội LHPN quận Ba Đình đã có sáng kiến quy định khung giờ được vui chơi; khung giờ trông xe, bán hàng; có những điểm phụ nữ khai thác một khoảng để trông xe, lấy kinh phí đóng góp duy trì, nuôi dưỡng mô hình. Như vậy sẽ hài hòa được lợi ích của người dân và thực hiện được mô hình, có công trình kiểu mẫu.

Với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó phụ nữ đóng vai trò nòng cốt, từ 5 tổ dân phố có công trình kiểu mẫu, đến nay quận đã hình thành 33 tổ dân phố có công trình kiểu mẫu.

"Từ thành công đó chúng tôi rút ra kinh nghiệm là không bao giờ làm một mình, đi một mình mà huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn cùng tham gia. Với cách làm bài bản ấy, chúng tôi đã đạt được mong muốn là công trình bền vững, hiệu quả thiết thực" - bà Đinh Thị Phương Liên bày tỏ.

Đại diện các đơn vị được biểu dương trong thực hiện cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp"
Đại diện các đơn vị được biểu dương trong thực hiện cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp"

Văn minh trong ứng xử, phụ nữ Thủ đô cũng nổi lên với vẻ đẹp của lòng nhân ái. Kể từ khi thành lập đến nay, sau hơn 3 năm hoạt động, Câu lạc bộ Phụ nữ ứng xử đẹp, hành động nhân ái xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đã tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn.

Bà Lê Thị Thêu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, trong gần 3 năm Câu lạc bộ đã giúp đỡ được các cháu có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi, người khuyết tật.

"Chúng tôi nhận đỡ đầu 1 trẻ mồ côi đến năm 18 tuổi; hỗ trợ, giúp đỡ 4 cháu với mức 500 nghìn đồng mỗi tháng; hỗ trợ xây mái ấm cho 1 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra các dịp lễ, tết tặng quà thăm hỏi  như mua áo đồng phục, thẻ bảo hiểm tặng cho học sinh"- bà Lê Thị Thuê chia sẻ.

Để hướng tới hiệu quả như tên gọi, thời gian tới câu lạc bộ sẽ kêu gọi nhà hảo tâm nhằm giúp đỡ thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, triển khai mô hình thu gom rác thải, bán hàng gây quỹ giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ để họ phần nào vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.