Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa nét đẹp thanh lịch Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc thi “Viết về nếp sống thanh lịch, văn minh” lần đầu tiên được tổ chức cho học sinh THCS đã khép lại với 114 giải thưởng cá nhân và tập thể.

Vượt qua suy nghĩ ban đầu của nhiều người về cuộc thi là một cách tuyên truyền nếp sống thanh lịch, văn minh đến học trò, đây sẽ là “nguồn” để bổ sung kiến thức cho tập giáo trình dạy về nội dung này đã được Sở GD&ĐT Hà Nội đưa vào trong trường học.

Con số đáng mừng

Chỉ trong vòng một tháng (phát động từ 6/10/2015), 300.000 học sinh ở 627 trường THCS của Hà Nội đã đưa nét bút viết bài dự thi “Viết về nếp sống thanh lịch, văn minh”. Nếu chỉ tính ở phương diện tuyên truyền cho học sinh THCS về thanh lịch, văn minh của Thủ đô, thì đây cũng đã là con số đáng mừng để khẳng định: Ngần ấy trẻ đã biết về phong trào mà người Hà Nội nỗ lực xây dựng bấy lâu nay. Song chính những người làm cuộc thi này, mà cụ thể là lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng ngỡ ngàng trước những bài dự thi lọt vào vòng chung kết. Ấy là 180 thí sinh đoạt giải nhất khối 8 của 30 quận, huyện, thị xã vào chung cuộc với 2 nội dung thi: Viết và Thuyết trình.
Biểu diễn văn nghệ trong đêm chung kết cuộc thi. 	Ảnh: Việt Anh
Biểu diễn văn nghệ trong đêm chung kết cuộc thi. Ảnh: Việt Anh
Ngỡ ngàng nhiều nhất được đặt ở phần dự thi của 11 thí sinh có bài viết xuất sắc được trao giải Nhất, trong số này có cả những em ở huyện xa nhất của Thủ đô là Ba Vì. Song đặc biệt thú vị thì nằm ở cuộc thi thuyết trình (có 18 giải cấp TP), mà 1 trong 2 giải nhất thuộc về  học sinh lớp 8A4 của trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm). Cô bé tên Thùy Linh này dù giọng nói còn những âm điệu của trẻ con, song lại làm người nghe có cảm giác “già dặn” khi tự tin bày tỏ quan điểm về sự yêu thương mà các bậc làm cha mẹ cần dạy cho con cái trong không gian sống của mỗi “tế bào của xã hội”; từ đó trẻ sẽ biết quý trọng, gìn giữ, bảo vệ tổ ấm quý giá của mình. Cũng phải nói rằng, cô bé Thùy Linh đã đoạt “cú đúp” giải thưởng về thanh lịch, văn minh Hà Nội khi còn được trao giải Nhì phần thi viết. Vẫn là câu chuyện của gia đình, nhưng nhẹ nhàng và tình cảm trong những nét chữ viết về mẹ và lối ứng xử có thể là tấm gương cho con cái soi vào. Người chứng kiến phần thi của Linh đều thừa nhận, cô bé “khôn” nhưng lại rất thật khi chọn góc nhìn từ gia đình và người mẹ - góc mà một đứa trẻ được tiếp cận và cảm nhận yêu thương hàng ngày. Ông Wilf Blackburn – Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam – đơn vị phối hợp tổ chức cuộc thi này, cũng thừa nhận, rất ấn tượng với hiểu biết và cảm nhận sống động của học sinh Thủ đô về nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.

Không chỉ là tuyên truyền

Góp phần thực hiện các chương trình của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, Sở GD&ĐT Hà Nội đã biên soạn và đưa vào các nhà trường bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô”. Rất nhiều cô và trò công nhận, đây chính là căn cứ đầu tiên để các em tìm hiểu về nếp sống người Hà Nội, từ giao tiếp, ứng xử đến các mối quan hệ xung quanh… để đến với cuộc thi. Chưa “nói chuyện xa xôi” thì chỉ như vậy, mục đích dạy thanh lịch văn minh trong trường học cũng đã ít nhiều đi đến đích. Song, như ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội bày tỏ: Cuộc thi đã cho thấy, các em không chỉ có những bài viết hay, phần thi thuyết trình thuyết phục về giá trị truyền thống văn hóa và ý nghĩa đời sống người dân Thủ đô, mà còn là những tấm gương sáng, có khả năng làm lan tỏa những nét đẹp trong nếp sống thanh lịch, văn minh của Hà Nội.

Ông Quang cho hay, không đơn thuần chỉ là học sinh tham gia cuộc thi, mà bài viết của các em đoạt giải có thể đóng góp thêm tư liệu cho bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh” trong năm tới. Vậy là hơn cả mục tiêu của một cuộc thi trong học sinh cấp 2, người làm giáo dục đã có thêm một “nguồn” để bổ sung cho giáo trình dạy nếp sống văn minh trong trường học Hà Nội.