Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lan tỏa phương pháp dạy nghề sáng tạo

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2018 đã bế mạc tối 21/9 nhưng những phương pháp giảng dạy mới, đầy tính sáng tạo ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ được nhân rộng, lan tỏa đến các trường dạy nghề để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Kể câu chuyện dạy nghề

Rất khó để gặp trực tiếp cô Đinh Thị Mùi – giáo viên trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội – một trong những nhà giáo đạt điểm cao tại Hội giảng Nhà giáo GDND toàn quốc 2018. Ngay sau buổi trình giảng của mình, cô Mùi tất tả vào bệnh viện chăm sóc mẹ chồng. Cô cho biết, đến với Hội giảng, cô không đặt mục tiêu giải thưởng mà chỉ muốn thử sức ở một hội thi tầm quốc gia. Cô đã lên kế hoạch kể câu chuyện tích hợp "Lập trình điều khiển hệ thống băng tải phân loại và đếm sản phẩm" một cách hoàn hảo nhất. “Trong bài giảng, cùng một nội dung đếm sản phẩm nhưng tôi còn phân ra từng loại nên được Ban giám khảo đánh giá cao. Trước đó tôi đã tự làm các thiết bị phục vụ bài giảng phù hợp và hấp dẫn HS” – cô Mùi nhấn mạnh.
  Cô Lê Thị Hồng Phượng – Giáo viên trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội đoạt giải Nhất tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2018. Ảnh: Thủy Trúc
Cô Mùi đã có 13 năm gắn bó với trường nghề. Hàng ngày, dù ở lớp học hay xưởng thực hành, ngoài dạy HS kiến thức, cô còn chỉ cho các em cách sống. Với cô, câu chuyện dạy nghề luôn có điểm nhấn là người học, vì thế mỗi khi nhận được thông tin học trò ra trường có việc làm ngay, thu nhập khá, cô luôn có thêm động lực để tiếp tục cống hiến, tận tâm với nghề.

Lấy học trò làm trung tâm

Hội giảng Nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2018 với sự tham gia của 373 nhà giáo. Mỗi thầy cô mang đến Hội giảng 3 giáo án với những nội dung và phương pháp khác nhau nhưng đều lấy người học làm trung tâm. Phương pháp này đã được nhiều trường áp dụng, nhất là những cơ sở dạy theo hướng thực hành và tích hợp. Bởi vậy, nhiều thầy cô đến Hội giảng với tâm thế muốn được phô diễn năng lực sư phạm và kỹ năng. Với thầy Phan Văn Hoàng - trường CĐ Giao thông Vận tải T.Ư 1 là bài giảng tích hợp lái xe ô tô Ghép xe dọc vào nơi đỗ - Hạng C, đã đạt 18,6 điểm. “Trong dạy nghề có nhiều phương pháp nhưng chúng tôi khai thác và vận dụng những kiến thức của người học để tích cực hóa lên” – thầy Hoàng chia sẻ.

Trong khi đó, thầy Trần Tuấn Anh – giáo viên trường CĐN Công nghiệp Hà Nội, vừa đạt 18,4 điểm tại Hội giảng chia sẻ, điều quan tâm nhất là hiệu quả của việc học chứ không tạo ra áp lực điểm số cho HS. Trước mỗi tiết học, thầy đều trao đổi với HS cần làm gì cho bài học. Đồng thời có cách đánh giá độc lập về kỹ năng cho từng em dù cùng làm việc trên một sản phẩm. “Tôi thấy phong cách của các giáo viên miền Nam rất cẩn thận và tỉ mỉ, cách sắp xếp trang thiết bị cũng rất hay. Tôi học được ở một số thầy cô phương pháp tiếp cận HS khá gần gũi. Tới đây, trong những bài giảng của mình, tôi sẽ đưa thêm một số kỹ năng mềm, gần gũi với HS hơn” - thầy Tuấn Anh tâm sự.

Chia sẻ niềm vui khi trường có 3/4 nhà giáo tham gia Hội giảng đạt giải Nhất, Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Phạm Đức Vinh bộc bạch: Trường không đặt mục tiêu đạt giải thưởng mà chỉ nêu quan điểm đây là cơ hội để các thầy cô được học tập, bồi dưỡng. Những bài giảng đạt kết quả tốt đã có sự đóng góp của tập thể sư phạm từ những chi tiết nhỏ nhất. “Sau Hội giảng, chúng tôi sẽ tổ chức cho các thầy cô đạt giải trình giảng lại để nhiều giáo viên khác cùng nghe. Trong thời gian Hội giảng, nhà trường đã tổ chức ghi hình các bài trình giảng để lan tỏa những phương pháp dạy nghề sáng tạo tới từng giáo viên” - thầy Vinh nói.