Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng “đệ nhất kéo” Kim Liên

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làng Kim Liên xưa (nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa) được biết đến là nơi sản sinh ra rất nhiều thợ cắt tóc “có nghề” ở đất Kinh kỳ.

Nay nghề vẫn còn, nhưng người làng theo nghề thì đang ngày một thưa thớt dần.
 Trong một tiệm cắt tóc nhỏ trên phố Xã Đàn, anh Phạm Duy Hào nhanh tay sửa mái đầu cho một nữ khách. Thao tác nhanh gọn, chỉ sau ít phút, cô gái trong gương đã nở nụ cười hài lòng với mái tóc mới được sửa sang. Anh Hào là người hiếm hoi thuộc thế hệ cắt tóc thứ tư ở làng Kim Liên xưa còn hành nghề. Hiện, anh là Chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc Kim Liên. Theo lời kể của anh, thời kỳ cực thịnh của nghề cắt tóc làng Kim Liên là vào những năm trước 1954 - 1968. Khi đó, cắt tóc là nghề không chỉ “ăn nên làm ra” mà còn được đánh giá rất cao trong xã hội. Nhiều người dân không chỉ ở làng Kim Liên, mà khắp mảnh đất Hà thành đến nay vẫn truyền tai nhau những dòng thơ nói lên giá trị của những người làm nghề cắt tóc: “Làm thân con gái chẳng biết lo/ Thợ tóc không lấy, lấy học trò/ Kéo lớn kéo to dăm bảy bộ/ Còn hơn kinh sử dăm bảy kho”.
 Phạm Duy Hào - Chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc làng Kim Liên đang sửa mái tóc
cho một vị nữ khách. Ảnh: Lâm Nguyễn
Theo lời kể của một vài cao niên từng hành nghề cắt tóc ở làng Kim Liên, trong những năm tháng chiến tranh kéo dài, đời sống người dân khó khăn khiến nghề cắt tóc nơi đây chỉ hoạt dộng cầm chừng. Số lượng tay kéo không thể sống được bằng nghề và phải từ bỏ nghề truyền thống cha ông để lại ngày một nhiều. Mãi tới sau những năm 1975, nghề cắt tóc ở làng Kim Liên mới dần được khôi phục. Anh Hào cho biết, hiện chỉ còn khoảng 25 người làng Kim Liên xưa còn theo nghề cắt tóc, chủ yếu hoạt động trên phố Kim Hoa và một số tuyến phố lân cận thuộc phường Phương Liên.
Nhằm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông, hàng năm, cứ đến hội làng Kim Liên (ngày 15/3 Âm lịch), Hội làng nghề cắt tóc Kim Liên lại tổ chức Hội thi Tay kéo vàng. Ban đầu, Hội thi chỉ dành cho những tay kéo là người làng Kim Liên, đến nay được mở rộng, chào đón cả những thợ cắt tóc đến từ khắp các tỉnh, TP trên cả nước. Đơn cử như tại Hội thi Tay kéo vàng năm 2016 vừa qua, có tới trên 600 tay kéo từ Bắc đến Nam dự thi. Theo anh Hào, Hội thi không chỉ là cơ hội để tìm ra những tay kéo khéo léo, một dịp để người làm nghề khắp cả nước giao lưu học hỏi. Quan trọng hơn là thông qua đó, như một lời nhắc nhớ người dân, nhất là thế hệ trẻ, rằng làng Kim Liên từng có một nghề truyền thống rất mực tài hoa.q
Ngày nay, người làng Kim Liên vẫn truyền tai nhau câu chuyện về thầy địa lý có tên là Tả Ao. Trên cơ sở nguyện vọng và điều kiện sẵn có của làng, thầy Tả Ao đã tạo nghề cắt tóc cho làng Kim Liên. Điều bí ẩn đó mãi đến năm 1988 mới được chứng minh. Khi Hà Nội triển khai mở đường lớn thông từ Ô Kim Liên (còn gọi là Ô Đồng Lầm) tới Ô Chợ Dừa, người dân đã đào được một chiếc hòm đá ở gò nhỏ trước Đình – Đền làng Kim Liên. Hòm có kích thước giống như hộp đồ hành nghề cắt tóc ngày xưa, trong đó có một tấm bia nhỏ khắc bằng chữ Hán Nôm được dịch là: “Giang sơn một tráp gương, lược, dao/ Chơi ngông gọt gáy khách anh hào/ Dầu thánh, tướng ai ta cũng mặc/ Vít cổ vua xoay chẳng sợ nào”. Đây là dấu tích minh chứng cho lịch sử hàng trăm năm của ngôi làng “đệ nhất kéo” này.