Nhiều người trong nghề ví, nhân viên y tế công là những người luôn sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu bởi “cái tát bất chợt” có thể đến bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, họ còn chịu quá nhiều thiếu thốn, áp lực khi có những bác sĩ phải khám cho 200 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi lương điều dưỡng, bác sĩ chưa tương xứng với công sức lao động.
Cứ sau mỗi vụ hành hung nhân viên y tế, dư luận lại dậy sóng, người khẳng định kẻ hành hung cần nghiêm trị, người cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Nhưng dù nguyên nhân nào cũng không thể chấp nhận hành vi bạo lực, đặc biệt là với những người mặc áo blouse đang khoác lên mình trọng trách lớn lao, chữa bệnh cho Nhân dân.
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn vì đâu nên nỗi, phải chăng ngành y đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng niềm tin”. Đây mới là mấu chốt vấn đề, khi người dân thiếu niềm tin vào thầy thuốc, vào hệ thống y tế công, sẽ nảy sinh những ngờ vực. Những ngờ vực ấy cứ lớn dần lên, trở thành nỗi bức xúc không thể kìm nén và bạo lực trở thành cứu cánh duy nhất để các hung thủ “xả stress”, họ sẵn sàng lao vào đánh nhân viên y tế sứt đầu mẻ trán.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm giảm nạn bạo hành trong bệnh viện, trong đó “roi công lý” đã được vung lên. Những biện pháp ấy cần thiết, nhưng chưa đủ. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nhiều người cho rằng, ngành y nên nhìn lại mình, khắc phục hàng loạt vấn đề gây bức xúc cho người bệnh và thân nhân họ. Đó là sự quá tải bệnh viện, đó là y đức, là sự lạnh lùng, tắc trách của một số nhân viên y tế. Trong khi người bệnh cùng thân nhân khi đến bệnh viện đều mang trong mình rất nhiều nỗi lo và sự căng thẳng, đặc biệt là nỗi lo về sức khỏe, sinh mạng, nếu người thầy thuốc thờ ơ, thiếu quan tâm hay có những lời nói thiếu tình người sẽ dễ xảy ra xung đột.
Trăn trở trước vấn đề này, mới đây, tại buổi làm việc với ngành y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành chức năng có những biện pháp bảo vệ bác sĩ, cán bộ y tế, nghiêm trị những kẻ gây rối. Tuy nhiên, nhìn nhận hai mặt của một vấn đề, Phó Thủ tướng cho rằng: “Trừ một vài trường hợp say rượu quấy phá BV, còn lại phần nhiều trường hợp người nhà gây sự cũng do bất bình vì phục vụ. Có bất bình do không được nhân viên y tế giải thích, có bất bình do bản thân một số cán bộ chưa thực sự tốt”.
Vậy nên, để giải quyết dứt điểm nạn bạo hành, bên cạnh thực hiện những giải pháp đã được ngành, được cơ quan chức năng đưa ra thì cần củng cố niềm tin của người dân, bệnh nhân đối với bệnh viện, với nhân viên y tế. Hãy để cho hình ảnh những chiếc áo blouse trắng giữ được vị trí đẹp trong mắt bệnh nhân như một thời nó đã ngự trị với lời nói đầy yêu thương, tôn trọng “thầy thuốc như mẹ hiền”. Muốn vậy, ngành y phải thay đổi mình, phấn đấu vì sự hài lòng của người bệnh.