KTĐT - Những ngày đầu Xuân Tân Mão cũng là dịp các nghệ nhân làng nghề bận rộn hơn bởi đây là thời điểm mà họ tăng cường sản xuất nông cụ phục vụ cho vụ Xuân và phục vụ khách du lịch đầu năm.
Những nghệ nhân làm nghề thêu dệt thổ cẩm và chạm khắc bạc ở thôn Cát Cát, xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đang tranh thủ những ngày nông nhàn sau Tết để làm những bộ trang phục thổ cẩm, những bộ váy, áo, mũ, túi…bán cho khách du lịch chơi Xuân.
Theo anh Giàng Seo Gà, Phó trưởng phòng văn hóa du lịch huyện Sa Pa, hai xã San Sả Hồ và Tả Phìn có nhiều làng nghề truyền thống nhất huyện. Riêng thôn Cát Cát có 80% hộ đồng bào Mông làm nghề rèn đúc, chạm bạc; xã Tả Phìn có 30% số hộ Mông, Dao sống bằng nghề thêu dệt thổ cẩm và làm dịch vụ hái lá thuốc tắm phục vụ du khách đến Sa Pa.
Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai lại có các hộ làm nghề rèn đúc nông cụ như lưỡi cày, dao, cuốc... Tuy chưa phát triển thành quy mô làng với đầy đủ điều kiện tập trung như ở dưới xuôi nhưng từ lâu con dao, cái cuốc, lưỡi cày của đồng bào Mông, Nùng làm ra đạt chất lượng tốt.
Những ngày đầu Xuân Tân Mão cũng là dịp các nghệ nhân làng nghề bận rộn hơn bởi đây là thời điểm mà họ tăng cường sản xuất nông cụ phục vụ cho vụ Xuân và phục vụ khách du lịch đầu năm.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, trong những năm qua, Lào Cai đặc biệt chú trọng khôi phục phát triển nghề, làng nghề truyền thống, nhất là ở các xã vùng cao.
Theo ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, hiện toàn tỉnh đã xem xét và công nhận được 14 nghề thủ công truyền thống, 2 làng nghề và 9 làng nghề truyền thống, trong đó, nghề nấu rượu chiếm phần lớn trong danh sách các nghề, làng nghề.
Các nghề, làng nghề tuy mới phát triển nhưng đã tạo thương hiệu trên thị trường, với sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương mà còn trở thành hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng./.