Tôn Nữ Tường Vy, sinh năm 1990, tại Khánh Hòa đã rong ruổi qua 13 quốc gia, mà nhiều nơi là những vùng biên giới hoặc xung đột như khu Tam Giác Vàng, Philippines, Myanmar, Campuchia...
Mạnh dạn bước qua những giới hạn của mình để có được những trải nghiệm đặc biệt, Tôn Nữ Tường Vy đã kể lại những tiếng nói thiểu số trong xã hội.
Trong cuốn sách Bên kia ranh giới là câu chuyện của chiếc mặt nạ loang lổ màu máu từ một cậu bạn Philippines từng là lính trẻ em của một nhóm quân nổi dậy Hồi giáo; là đền đài Angkor thì thầm kể về cuộc huy hoàng và diệt vong của nó do cuồng vọng của con người; là dòng Mekong đang kêu cứu vì đập thủy điện; một cô bé Cambodia không có tiền đi học, một gia đình Malaysia dạy con tại gia, hay những dự án sáng tạo âm thầm của giới trẻ Việt giúp mọi người yêu lịch sử hơn.
Nhưng trên tất cả, sau những câu chuyện của xung đột và hòa bình, Tôn Nữ Tường Vy muốn đề cập đến tác động của giáo dục đến con người, để sao cho con người có thể cư xử hòa bình với nhau.
Cuốn sách dành một phần lớn dung lượng để chia sẻ về các hình thức giáo dục trên nhiều quốc gia Tường Vy đã đi qua, qua đó gợi mở những thảo luận sâu sắc về sự cởi mở trong giáo dục và tự do học thuật.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt tại Hà Nội, Tường Vy cho biết, cô khuyến khích các bạn trẻ vượt qua vòng an toàn, vượt qua “ranh giới” của mình. “Đó có thể là ranh giới về mặt địa lý, như đi du lịch nước ngoài, hay ranh giới trong tâm tưởng, vượt qua định kiến của chính bản thân mình”, Tường Vy nói.
Nhận xét về cuốn sách, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Alpha Books chia sẻ, cuốn sách của Tường Vy vượt lên trên một du ký thông thường. Nó đậm tính nhân văn, tri thức, triết lý với một giọng văn sắc, khỏe mà vẫn trẻ trung, thanh thoát. Cuốn sách tràn ngập những suy tư và cảm nhận về sự sống, con người, niềm tin, lịch sử, văn hóa… và xuyên suốt tất cả là sự thấu hiểu, hợp tác, chia sẻ, dung hòa lẫn nhau.