Nhìn đâu cũng thấy lãng phí
Đề cập đến thực trạng lãng phí, nhiều ĐB khẳng định, có quá nhiều sự lãng phí đang diễn ra ở khắp các cơ quan, đơn vị. Đơn cử như việc đầu tư xây bệnh viện, chợ, cầu cảng, sân bay… nhưng thi công chưa xong thì bỏ đấy vì nhiều lý do, hoặc xây xong nhưng sử dụng không hiệu quả gây lãng phí, trong khi vốn đầu tư lớn. Không chỉ nguồn vốn bị lãng phí do chính sách chưa đúng, hoạch định sai, đầu tư sai mà những quyết định thiếu tính toán này còn gây lãng phí thời gian, công sức, lãng phí nguồn nhân lực do lao động không có công ăn việc làm.
ĐB Phạm Văn Hổ (đoàn Phú Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Lê Văn Tân (đoàn Hà Nam) nêu rõ: Hiện nay, quy hoạch cảng biển, sân bay nhiều lãng phí, không chỉ những sân bay nội địa mà ngay cả hai sân bay quốc tế chỉ cách nhau… có 100 km (!!), trong khi tần suất bay lại thấp. Nhiều ĐB khác băn khoăn về lãng phí trong đào tạo, như nhiều trường ĐH được mở ra nhưng không thu hút được sinh viên, khi sinh viên ra trường lại không có việc làm. Đây là sự lãng phí kép bởi không chỉ tốn cả công sức của các thầy, trò mà còn tốn rất nhiều tiền của của xã hội. Riêng về hành vi lãng phí thời gian, nhiều ĐB nhận định, loại lãng phí này không quy ra tiền được nhưng thiệt hại vô cùng lớn. "Thực tế, nhiều bộ, ngành, hội, ban làm không hết việc, nhưng ngược lại có những ban, hội không viết nổi một báo cáo cuối ngày. Điều này liên quan đến cơ chế tổ chức, bộ máy hành chính" - ĐB Huỳnh Thế Kỳ (đoàn Ninh Thuận) nói. Chia sẻ nội dung này, ĐB Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) khẳng định: Nhiều trường hợp lãng phí thời gian nghiêm trọng hơn tiền bạc. Ví dụ trong đầu tư xây dựng, kéo dài thi công, phải điều chỉnh mức đầu tư… lãng phí này phổ biến nhưng chưa được quan tâm đúng mức.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Để khắc phục tình trạng lãng phí, ĐB Phạm Văn Hổ (đoàn Phú Yên) cho rằng, cần xác định cụ thể hơn, rõ hơn về mức độ như thế nào được coi là lãng phí, và xử lý trách nhiệm thế nào. Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tránh tình trạng quy trách nhiệm tập thể một cách chung chung, khó xử lý. Đồng tình quan điểm này, theo ĐB Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang), trong Dự thảo Luật sửa đổi, các hành vi vi phạm đều có cách xử lý giống nhau như giải trình, bồi thường thiệt hại, bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm. Chính vì vậy, ĐB đề nghị có một chương riêng về xử lý vi phạm và có chế tài cụ thể.
Nhiều ĐB khác nhấn mạnh, nếu nơi nào để xảy ra lãng phí thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Dự thảo Luật lần này quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó bổ sung trách nhiệm "người đứng đầu phải giải trình trước cơ quan chức năng, trước công luận và tùy theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự".
Bức xúc trước tình trạng lãng phí gây hậu quả không kém gì tham nhũng, tuy nhiên để tránh hiện trạng này, theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) thì việc xây dựng Dự án Luật này đã không đi đúng hướng. Vì Luật chưa nắm bắt được những quy định nào bất cập cần sửa đổi, hoặc không bất cập nhưng vẫn không thực hiện được, ĐB cho rằng, nếu không bắt đúng bệnh thì sẽ khó trị bệnh.Buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.