Các DN lữ hành chê Làng thiếu đủ thứ, vì thế muốn "hút khách", Làng còn phải bắt tay triển khai thêm nhiều việc.
Thiếu đủ thứ
Được đầu tư 3.200 tỷ đồng, trên diện tích 1.544ha, những tưởng sau khi mở cửa, Làng VH sẽ thu hút hàng trăm ngàn du khách tham quan mỗi năm. Thế nhưng, dù đã chính thức mở cửa được 5 năm, tính bình quân nơi đây mới chỉ đón khoảng 250.000 lượt khách/năm. Trong đó, chủ yếu là đối tượng khách tự tìm đến, theo nhóm gia đình, cơ quan, tổ chức xã hội. Số khách đến theo tour của các DN DL rất ít. Năm 2015, chỉ 16/1.500 DN lữ hành xây dựng tour đến nơi được coi là “thánh địa” văn hóa, DL này. Dẫu biết, Làng VH vẫn trong điều kiện vừa tiếp tục đầu tư xây dựng, vừa vận hành phục vụ DL, nhưng những số liệu trên còn quá khiêm tốn. Nhìn sang "hàng xóm" Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cũng mô hình tương tự nhưng quy mô nhỏ hơn rất nhiều, vậy mà lúc nào cũng tấp nập khách vào ra.
Phó trưởng Ban quản lý Làng VH Lâm Văn Khang thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến cảnh đìu hiu ở ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam là do: “Sản phẩm chưa hoàn thiện, hoạt động không thường xuyên, nên chưa thực sự là điểm đến được các công ty lữ hành quan tâm. Làng còn thiếu các dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách như: Ẩm thực, mua sắm, ngủ nghỉ, vận chuyển. Đặc biệt, công tác quảng bá, tiếp thị của Làng còn hạn chế nên các công ty lữ hành và du khách càng ít quan tâm”. Thế nhưng, ngày 20/11 vừa qua, những người “cầm trịch” công trình đồ sộ này mới chịu mời các DN lữ hành đến để cùng tìm cách xúc tiến đầu tư DL nhân sự kiện “Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2015”. Giới chuyên môn cho rằng, việc làm này là quá muộn, bởi lẽ, các DN mới là đơn vị hiểu rõ nhất nhu cầu của các “thượng đế”. Và có lẽ còn do “dân văn hóa" loay hoay làm DL suốt một thời gian dài, nên Làng cần thời gian dài hơn để xóa cảnh đìu hiu. Giám đốc Công ty Du lịch Đẳng cấp Việt (VietPro Travel) Đỗ Đình Tưởng cho rằng: “Hiện nay, Làng VH còn thiếu đủ thứ so với nhu cầu của du khách. Đặc biệt, do không có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên Làng mới chỉ có cái xác chứ chưa có phần hồn. Thế nên, du khách đến đây mới chỉ thỏa mãn phần nhìn”. Cùng nỗi quan ngại này, Giám đốc Công ty DL quốc tế ITC Nguyễn Thị Mỹ Nghệ chia sẻ: “Hiện, chúng tôi đang có đơn đặt hàng 500 khách tour 2 ngày 1 đêm. Tôi đã thỏa thuận để khách đồng ý ăn, trải nghiệm ở đây nhưng ngủ đành ở chỗ khác”. Cũng vì không có đồng bào sinh sống, du khách thưa vắng, nên rất nhiều công trình đã bị khí hậu ẩm của vùng đồi núi Sơn Tây làm cho xuống cấp.
“Khát” một chính sách đặc thù
Để Làng VH phát triển DL, PGS TS Phạm Trung Lương hiến kế: “Làng cần sớm xây dựng chiến lược phát triển thành khu DL quốc gia để thu hút sự quan tâm của các DN DL. Dựa vào đặc thù của Làng là vừa làm văn hóa, vừa làm DL, Làng cần đề xuất xin Chính phủ một chính sách riêng. Chính sách này phải thể hiện được rằng, các DN, các nhà đầu tư “bắt tay” với Làng sẽ hiệu quả hơn với nơi khác. Có như vậy, về mặt pháp lý, các DN DL mới có thể yên tâm đầu tư cũng như dẫn khách đến với Làng. Sau đó, Làng hãy tổ chức một hội nghị xúc tiến DL tầm cỡ quốc tế để thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư và dẫn khách đến Làng”. Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội DL Hà Nội Nguyễn Quang Lân còn nhấn mạnh 2 việc quan trọng phải làm ngay ở Làng: Thứ nhất, ở tầm chiến lược, phải xây dựng khu Làng thành điểm sáng của DL quốc gia, thậm chí phải mang tầm quốc tế. Vậy thì phải đầu tư mạnh vào các hoạt động vui chơi giải trí để vừa thu hút du khách, từ đó truyền bá văn hóa ra thế giới. Với diện tích 1.554ha, cách trung tâm Hà Nội 45km, Làng VH hoàn toàn có đủ điều kiện trở thành một Hollywood, hay Disney Land của Việt Nam. Vậy ngay bây giờ, Bộ VHTT&DL phải xin Chính phủ cho Làng một cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn thì mới làm ra tấm, ra món được. Nếu cứ trông đợi kinh phí từ Nhà nước thì e rằng, DL chưa kịp phát triển thì các công trình đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
Biểu diễn nghệ thuật tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam.
|
Mặt khác, nhu cầu DL, vui chơi, giải trí cuối tuần của người Hà Nội và các địa phương lân cận rất lớn, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên. Ban quản lý Làng có thể chủ động hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, các đơn vị quân đội, khu công nghiệp - chế xuất... trên địa bàn TP tổ chức những chuyến sinh hoạt dã ngoại, tìm hiểu văn hóa các dân tộc tại Làng, như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ hay các trung tâm vui chơi kiểu như Thiên đường Bảo Sơn và một số khu DL sinh thái tại Sơn Tây đã và đang làm. Nhưng có một hạn chế là điểm xe buýt cách Làng tới 6km, cho nên Bộ VHTT&DL cần sớm đề xuất và phối hợp với TP Hà Nội mở tuyến buýt đến tận Làng. Giao thông có thuận tiện mới hy vọng lôi cuốn được du khách.
Như vậy, để thực sự trở thành “thánh địa” của văn hóa và DL, Làng VH cần sớm đề xuất một chính sách đặc thù. Đồng thời, thúc đẩy tính chủ động, linh hoạt trong việc tìm hướng tháo gỡ, đầu tư và khai thác một cách hiệu quả để tăng công năng hoạt động nhằm “lấy mỡ nó rán nó”, chứ không thể thụ động trông chờ vào ngân sách Nhà nước “rót xuống”.
Lên thực đơn cỗ dân tộc Đối với dịch vụ ăn uống, Làng VH cần nghiên cứu để mở ngay một khu ẩm thực phục vụ du khách. Hoặc có thể cho khách ăn ngay tại chính không gian nhà của các đồng bào đã được xây dựng. Đồng thời, khi có khách đặt ăn, Làng có thể giới thiệu thực đơn là một mâm cỗ dân tộc của một số đồng bào để vừa quảng bá đặc sản ẩm thực các vùng, miền, vừa tạo sự hấp dẫn cho các “thượng đế”, đồng thời, tạo nguồn thu cho Làng. Ông Đỗ Đình Tưởng - Giám đốc Công ty Du lịch Đẳng cấp Việt (VietPro Travel) Học tập mô hình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Về bản chất, mô hình của Làng VH rất giống với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, có chăng chỉ là quy mô, diện tích lớn hơn mà thôi. Do đó, trong quá trình xây dựng các dịch vụ trải nghiệm, vui chơi giải trí phục vụ du khách, Làng cần mời GS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến để tham vấn, hỗ trợ, vì ông Huy là người có kiến thức chuyên sâu và mô hình Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã rất thành công. Đồng thời, Làng VH cần tham khảo ý kiến của các DN DL, vì hơn ai hết, chúng tôi là những người hiểu nhu cầu của du khách nhất. Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Tái hiện các trò chơi dân gian Làng VH kinh doanh DL trên nền tảng VH, vậy hãy mở một khu biểu diễn các môn nghệ thuật truyền thống của đồng bào như: Rối nước, ca trù, chèo, tuồng, cải lương, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế… để du khách thưởng thức. Việc tái tạo không gian các lễ hội, trò chơi dân gian của đồng bào để du khách trực tiếp tham gia trải nghiệm cũng sẽ để lại nhiều ấn tượng cho các “thượng đế”, đặc biệt là người nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Giám đốc chi nhánh Công ty ASIAEP Việt Nam tại Hà Nội Tạo liên minh kích cầu Việc xây dựng sản phẩm DL ở Làng VH phải có sự bắt tay giữa DN và Ban quản lý Làng. Cho nên, Ban quản lý cần tổ chức một đoàn famtrip (DL tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) cho tất cả các đơn vị lữ hành có phân khúc thị trường phù hợp với điểm đến. Sau đó, chúng ta ngồi lại với nhau xây dựng sản phẩm. Đây cũng chính là điều cần thiết để DN và Làng VH quảng bá cho sản phẩm. Chúng ta cần tạo ra những liên minh kích cầu tập trung vào một số sản phẩm có thể đưa khách đến Làng ngay như: DL học đường, trải nghiệm cho khách quốc tế… Bà Nguyễn Thị Mỹ Nghệ - Công ty DL quốc tế ITC
|