Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lao động nông thôn nên tận dụng nguỗn hỗ trợ học nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH cho rằng, lao động nông thôn nên tận dụng nguồn hỗ trợ học nghề.

Lao động nông thôn nên tận dụng nguỗn hỗ trợ học nghề - Ảnh 1
Trước tình trạng nhiều thanh niên ở khu vực nông thôn bị thu hồi đất nông nghiệp đổ về TP làm bất cứ việc gì mà không có quan hệ lao động, ảnh hưởng đến tương lai, ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH cho rằng, lao động nông thôn nên tận dụng nguồn hỗ trợ học nghề.

Triển khai đào tạo nghề trước 3 năm

Người lao động ở khu vực nông thôn đang được hưởng các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm như thế nào, thưa ông?

- Trước đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp. Nhưng Nghị định số 169/2004/NĐ-CP về thi hành luật đất đai đã hết hiệu lực cho nên quyết định trên cũng không còn giá trị. Chính phủ đã giao cho Bộ LĐTB&XH chuẩn bị soạn thảo quyết định thay thế. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã nghiên cứu, tham khảo các bộ, ngành, địa phương và có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đang khẩn trương trình Thủ tướng phê duyệt để thay thế Quyết định số 52. Dự thảo quyết định này được xây dựng trên tinh thần hỗ trợ cho những người lao động ở khu vực bị thu hồi đất nông nghiệp, những người ở thành thị bị giải tỏa mất nguồn kinh doanh. Họ sẽ được hỗ trợ theo hướng, thứ nhất là ưu tiên cho vay vốn; thứ hai, hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; thứ ba, hỗ trợ đi xuất khẩu lao động theo chương trình và được cung cấp thông tin về lao động. Sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định này, Bộ LĐTB&XH sẽ cùng với các bộ, ngành khác triển khai thực hiện.
Người lao động làm việc trong một xưởng gốm sứ tại làng Bát Tràng, Hà Nội. 	 	Ảnh: Phạm Hùng
Người lao động làm việc trong một xưởng gốm sứ tại làng Bát Tràng, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thực tế, việc đào tạo nghề cho người dân ở những vùng bị thu hồi đất rất chậm, khiến họ khó khăn trong chuyển đổi công việc. Ông có ý kiến gì về việc này? 

- Việc này phải xét nhiều khía cạnh. Có thể họ tìm được việc làm khác, hay họ không có nhu cầu học nghề… Bình thường, trước khi có phương án đền bù giải tỏa mặt bằng, người ta sẽ phải xem xét, điều tra, khảo sát nắm nhu cầu của người lao động ở từng hộ gia đình. Sau đó, các địa phương có chính sách thích hợp để áp dụng đối với lao động ở vùng đó. Tôi thấy, đây là cơ hội rất tốt, cho nên người lao động cũng cần nhận thức đầy đủ để tận dụng nguồn hỗ trợ học nghề này. Thứ nữa là có thực trạng người sử dụng lao động trả lương như nhau cho lao động dù có đào tạo bài bản hay đào tạo một số ngày. Tôi nhận thấy chính sách đầy đủ và các địa phương triển khai hỗ trợ đền bù nghiêm túc, thực hiện theo đúng quy trình.

Theo ông, việc đào tạo nghề cho lao động ở vùng bị mất đất có nên được thực hiện trước giai đoạn triển khai dự án? 

- Tôi nghĩ rằng việc đào tạo nghề nên được triển khai trước khoảng 3 năm khi dự án được thực hiện. Chúng ta nên thông báo để người lao động chuẩn bị và có phương án chuyển đổi nghề. Còn sau khi có dự án rồi, lấy ngay đất của họ thì gây khó khăn cho người lao động và không phù hợp với thực tế.

Cần phân bổ lao động hợp lý

Ở nông thôn có rất nhiều làng nghề truyền thống sản xuất các sản phẩm tiêu thụ ở trong và ngoài nước. Thế nhưng, nhiều thanh niên vẫn muốn ra TP làm lao động tự do. Việc này sẽ gây hệ lụy gì cho bản thân họ và đối với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội?

- Tôi nghĩ rằng, cần có sự phân bổ lao động một cách hợp lý ở thành thị và nông thôn để tạo điều kiện phát triển. Đồng thời đối với thanh niên, nếu như ở địa phương họ có ngành nghề truyền thống đảm bảo cuộc sống và phát triển thì chắc không có nguyện vọng đi làm việc ở các khu công nghiệp nhiều. Sở dĩ trong thời gian qua, họ phải ra TP kiếm việc làm vì chính ngành nghề truyền thống ấy cũng bị mai một, đầu ra tiêu thụ khó khăn, thu nhập thấp. Trong số những người ở khu vực nông thôn ra thành thị làm việc cũng có những trường hợp thanh niên muốn tìm hiểu cái mới, học tập nâng cao trình độ thì đây là sự di chuyển tích cực. Còn buộc họ phải ra TP làm việc thì là vấn đề. Cho nên chúng ta phải làm sao để phát triển ngành nghề, nhiên liệu, đầu ra, thu nhập cho người lao động.

Với những lao động nông thôn ra TP làm bốc vác, xe ôm liệu có đảm bảo cuộc sống cũng như an sinh xã hội?

- Tôi nghĩ làm nghề gì đem lại thu nhập mà không bị pháp luật ngăn cấm đều tốt đối với người lao động. Đương nhiên, làm những công việc ấy là nặng nhọc, vất vả. Nếu như người lao động tận dụng nguồn kinh phí hỗ trợ học nghề khi bị mất ruộng đất, các nguồn khác hỗ trợ đào tạo nông dân học nghề khác thì có thể có việc ổn định hơn và thu nhập cao hơn. 

Hiện nhiều người lao động di cư ra TP mưu sinh không đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm xã hội, y tế. Ông có ý kiến gì về giải quyết vấn đề này?

- Vấn đề này phải tính toán thêm, mức thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế làm sao cho phù hợp với từng nhóm dân cư, từng đối tượng để họ tham gia được.

Xin cảm ơn ông!

 
Hiện nay, cả nước có 13,52 triệu lao động thanh niên có việc làm, chiếm 25,2% lao động có việc làm cả nước. Phần lớn thanh niên là lao động tự làm và lao động trong hộ gia đình không hưởng lương và hơn 50% lao động thanh niên làm việc không có hợp đồng lao động.