Chiếc điện thoại đa sim ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu người sử dụng trong bối cảnh các hãng viễn thông thi nhau khuyến mãi. Thế nhưng, tiện ích đa sim này cũng khiến người dùng gặp rắc rối.
Nhìn thấy tấm biển quảng cáo "Điện thoại 4 sim 4 sóng, mới 100%, giá 650.000 đồng" trên đường Đê La Thành, Hà Nội, chị Quỳnh, nhân viên văn phòng rất đỗi ngạc nhiên. Vốn ham thích các chương trình khuyến mãi của nhà mạng nên chị Quỳnh quyết định mua chú dế này để tiện cho việc sử dụng nhiều số máy khác nhau. Theo giải thích của nhân viên điểm bán, loại máy này có xuất xứ từ Trung Quốc, với khe cắm tích hợp cho 4 sim một lúc. "Tôi đang sử dụng 2 số máy với 2 chiếc điện thoại khác nhau. Cách đây mấy hôm, tôi mua thêm một sim nữa, vậy là một mình dùng tới 3 số. Tôi đang tính, có lẽ mua chiếc điện thoại tích hợp nhiều sóng dùng cho tiện", chị Quỳnh nói. Hiện nay, thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại máy điện thoại đa sim đa sóng, hầu hết đều có giá dưới một triệu đồng và xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài tính năng nghe gọi và có thể tích hợp nhiều sim, dòng máy này cũng có nhiều chức năng như nghe nhạc, chụp ảnh, kết nối mạng 3G, bluetooth, quay phim, thậm chí xem phim... như nhiều smartphone hiện đại. Thậm chí, một số sản phẩm 4 sim 4 sóng online còn tích hợp những tính năng, đặc điểm hiện đại nhất như màn hình cảm ứng, bàn phím Qwerty, chụp ảnh lên đến 10 megapixel, giá chỉ hơn 2 triệu đồng. Chế độ bảo hành cũng phụ thuộc vào đặc thù của từng cửa hàng, điểm bán, và thông thường từ 3 tháng đến 6 tháng. Chị Huyền đang dùng chiếc điện thoại đa sim của hãng Samsung chia sẻ: "Tôi cứ ngỡ điện thoại tích hợp 2 sim, 2 sóng đã là công nghệ cao rồi. Giờ lại còn có thể loại dế 4 sim, 4 sóng, không biết tới đây nhà sản xuất có chế tạo ra loại điện thoại 7 sim - tích hợp số của cả 7 hãng di động?". Theo chị, việc sử dụng điện thoại đa năng, tích hợp nhiều số có nhiều điểm tiện lợi là giúp người dùng không phải mang liền một lúc nhiều máy. Bên cạnh đó, người dùng cũng thấy tiết kiệm chi phí hơn khi có thể dùng một số cố định liên lạc thường xuyên, sim khác dành cho các chương trình khuyến mãi... Thế nhưng, chính tiện ích này khiến khách hàng bị "loạn" vì khi máy đổ chuông không biết cuộc gọi đang được thực hiện tới số nào. Chưa kể, do tích hợp nhiều số, máy dễ hết pin, đôi lúc bị treo và nóng. "Tôi đang dùng điện thoại 2 sim, 2 sóng và không ít lần chịu cảnh 'buộc' phải nghe một số cuộc gọi không mong muốn do máy bị 'đơ' không chịu hiện số", chị Huyền chia sẻ. Anh Tùng, chủ một cửa hàng bán dòng điện thoại này cho biết, máy chính hãng của những thương hiệu nổi tiếng như Nokia, Samsung... đến nay vẫn chỉ dừng ở 2 sim, 2 sóng. Chỉ có máy của Trung Quốc mới có khả năng chứa từ 3 sim trở lên. Do đánh trúng vào tâm lý và nhu cầu sử dụng của một bộ phận người dùng nên dù là hàng Trung Quốc thì vẫn tiêu thụ được số lượng đáng kể. "Khách mua chủ yếu là người cần sử dụng nhiều sim, thu nhập bình thường và không bận tâm đến vấn đề thương hiệu", anh nói. Tuy nhiên, không ít người sau khi sử dụng hàng "công nghệ cao", giá rẻ này lại cảm thấy bất tiện. Anh Tú, một kiến trúc sư chia sẻ chiếc điện thoại 4 sim 4 sóng của anh tuy được tích hợp đủ các tính năng nhưng hoạt động không nhạy, chụp ảnh mờ, âm thanh không rõ ràng. "Mình cũng xác định trước máy rẻ thì khó có hàng chất lượng tốt nhưng giờ lắp cả 4 chiếc sim vào đây rồi, nói chuyện với ai cũng phải căng tai lên mới rõ". Ngoài trục trặc trên, anh Tú còn than vãn sau gần một tháng sử dụng, nhiều lúc anh còn thấy loạn sóng nhà mạng và loạn sim. Anh kể, 4 chiếc sim của anh thì thuộc đến 3 nhà mạng: Viettel, MobiFone và Beeline. "Sim MobiFone của tôi đăng ký gói cước gọi nội mạng dưới 10 phút miễn phí, có lần định dùng số đó gọi cho ông bạn buôn chút việc, đến lúc nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ, tắt đi mới hay đã gọi bằng sim Viettel", anh Tú than thở.