Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập “công ty ma” để rút tiền

Công Tiến - Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, phiên xử đại án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) bước sang ngày làm việc thứ 4 với phần xét hỏi để làm rõ việc ký duyệt dự án Core Banking và cho thuê trụ sở khống để hợp thức hóa việc rút tiền từ VNCB cho Phạm Công Danh.

Người được xét hỏi đầu tiên là bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc VNCB. Nhân vật này là cánh tay phải và được cho là đã “hiến kế” giúp Danh rút ruột VNCB. Được biết, Mai được Danh trả lương khoảng 200 triệu đồng/tháng.
Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh (phải). Ảnh: Công Tiến
Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh (phải). Ảnh: Công Tiến
Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2013, Danh tổ chức cuộc họp HĐQT để tìm cách rút tiền từ VNCB. Và Mai là người đề xuất rút tiền thông qua hệ thống Core Banking. Sau đó, Danh đã đồng ý và phân công Mai hoàn thiện mọi thủ tục. Tuy nhiên, tại tòa, Mai khai nhận, việc giải ngân các khoản tiền trên đã diễn ra trước đó mà bị cáo không biết. Đến khi bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện, Danh mới giao cho bị cáo và Mai Hữu Khương hoàn thiện thủ tục để hợp thức hóa. Còn về trách nhiệm trong việc lập hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Core Banking và đã rút hơn 63 tỷ đồng của VNCB, Mai thừa nhận, đang trong lúc công ty rối ren không tiền chi trả cho khách hàng nên đã nghĩ ra “ý tưởng” trên.

Theo đó, Mai đã chỉ đạo Phòng Kế toán lập 2 giấy đề nghị chuyển tiền tạm ứng 63,2 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty An Phát. Ngoài ra, Mai còn khai nhận, do có quan hệ với Nguyễn Việt Hà - Tổng Giám đốc Quỹ Lộc Việt từ trước nên đã đặt vấn đề hợp tác. Để tránh cơ quan chức năng phát hiện, việc ủy thác đầu tư 900 tỷ đồng cho Quỹ Lộc Việt đầu tư trái phiếu vào Tập đoàn Thiên Thanh sẽ được thông qua 3 công ty: Thạch Hà, An Lộc và Minh Quang.

Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục xét hỏi đối với Lê Công Thảo - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của VNCB. Bị cáo Thảo chính là người đã đặt bút ký duyệt dự án Core Banking. Khai trước tòa, Thảo cho biết, do tin tưởng Mai nên đã đặt bút ký duyệt dự án khi được hứa là sẽ chịu trách nhiệm. Theo Thảo, trong khoảng thời gian này, VNCB đang bị đặt dưới sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước nên bị cáo nghĩ đề án chỉ là sơ khởi và chỉ có chữ ký của mình thì không thể thực hiện được mà còn phải thông qua những lãnh đạo cấp cao.

Tiếp đó, HĐXX tiến hành xét hỏi bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân - nguyên Giám đốc Công ty Hương Việt. Theo lời khai của Vân, khi đang làm việc tại Tập đoàn Thiên Thanh thì được Phạm Công Trung (em bị cáo Danh) “nhờ” làm Giám đốc Công ty Hương Việt với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Lúc đó, Vân có nói là không biết làm nhưng Trung vẫn tiếp tục thuyết phục nên đã đồng ý. Tuy nhiên, theo cáo trạng, Vân là người cùng tham gia thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh và rút tiền để Danh sử dụng, gây thiệt hại cho VNCB 400 tỷ đồng. Thế nhưng, khi được hỏi về hợp đồng này, Vân cho biết được Trang đưa cho các giấy tờ để ký, trong số này có ủy nhiệm chi và được giải thích là nhờ ký hộ bị cáo Danh. Vân còn khai, ký hợp đồng vì tin tưởng chứ thuê trụ sở ở đâu thì bị cáo không biết cho đến khi bị bắt.

Khi xét hỏi Trần Văn Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung, bị cáo này cho biết, mình mới chỉ học hết lớp 7 và vốn là lái xe tại Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Bình không nhớ rõ mình được làm Tổng Giám đốc từ khi nào và để làm gì…, mà chỉ biết được trả lương 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, theo cáo trạng, Bình chính là người đứng tên để ký hợp đồng cho thuê trụ sở với VNCB với số tiền 5,6 tỷ đồng/tháng, thời hạn thuê là 20 năm. Đến tháng 7/2013, số tiền 201 tỷ đồng được VNCB chuyển vào tài khoản của Công ty Trung Dung. Sau đó, số tiền này được Bình chuyển sang 3 tài khoản cá nhân để trả nợ cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh. Tuy nhiên, Bình cho rằng không biết thửa đất cho thuê nằm ở chỗ nào.

Theo HĐXX, tiến hành xét hỏi các bị cáo trên cho thấy, Danh lập ra Công ty Trung Dung và Công ty Hương Việt chỉ để lấy tư cách pháp nhân. Trên thực tế, 2 công ty này không hoạt động kinh doanh gì và chỉ có giám đốc đứng tên để ký hồ sơ nhằm giúp Danh hợp thức hóa rút ruột VNCB.