Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lập hồ sơ đề nghị công nhận hát Then là Di sản văn hóa phi vật thể

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành lập hồ sơ lý lịch nghi lễ then (hát then) của dân tộc Tày để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Theo hồ sơ, nghi lễ then dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang, then có nguồn gốc từ chữ “Tiên” có nơi gọi là “Sliên” là người của trời. 

Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng chữa bệnh, giải hạn, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc… do những người làm nghề then thực hiện. Đây là những phong tục có từ lâu đời của dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang.

Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, vùng hát Then của Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở Chiêm Hoá, Nà Hang và Lâm Bình và một số xã của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Ở Chiêm Hoá, Nà Hang, Lâm Bình không gian diễn xướng hát then còn tương đối rõ nét, có sự vào cuộc và vai trò to lớn của các nghệ nhân.
 
Lập hồ sơ đề nghị công nhận hát Then là Di sản văn hóa phi vật thể - Ảnh 1
 
Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tồn tại 2 dòng then. Dòng then thứ nhất là nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị thất truyền. Dòng then thứ 2 là dòng then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ.
 
Hát then của Tuyên Quang có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ "ới la". Từ ới la ở đây có nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu trúc âm nhạc của then Tuyên Quang là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng đầm ấm của con người xứ Tuyên.
 
Then Tuyên Quang có một số làn điệu cổ như then cấp sắc công nhận một người đủ điều kiện làm thầy cúng, lo việc tâm linh của bản làng; then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và then lễ hội. Bản chất của các loại hình diễn xướng then này là tín ngưỡng.
 
Hát then là di sản văn hoá của vùng Việt Bắc, Tây Bắc. Vùng lõi của hát then là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Hát then là văn hoá "gốc" của dân tộc Tày nhưng thực tế người Nùng, người Thái cũng hát then và hát then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố trong cả nước.