Làm gì để lấp khoảng trống văn hóa đó đang là nỗi lo của các nhà văn hóa, kiến trúc.
Phai nhạt văn hóa 36 phố phường
Phố cổ Hà Nội tuy vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, nhưng lối sống, nếp sống, đặc biệt các lễ hội ngày càng thiếu vắng, đứt đoạn. Theo nhà văn Đỗ Thị Hảo – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: “Hà Nội là Thủ đô của cả nước nhưng là kẻ chợ của những kẻ quê. Bằng chứng là rất nhiều đình, đền thờ tổ nghề nằm ở 36 phố phường như nghề đúc bạc, đổi bạc (phố Hàng Bạc), nghề gò đồng (phố Hàng Đồng)…”. Song, không chỉ các di tích đình, đền thờ tổ nghề bị dân cư xâm lấn, mà các hoạt động truyền nghề cũng không còn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc, cho biết, mặc dù phố Hàng Bạc vẫn lưu giữ nghề buôn bán vàng bạc nhưng những người thuộc thế hệ Hà Nội gốc sinh sống nơi đây không còn nhiều. Chính vì vậy, nhiều người không hiểu và phân biệt rõ ràng nghề làm bạc truyền thống và làm bạc công nghiệp. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ kinh doanh khiến sản phẩm vàng bạc truyền thống bị mai một, thương hiệu phố nghề bị suy giảm. Cùng với phố Hàng Bạc, trên các con phố Hàng Thiếc, Hàng Đồng cũng đếm trên đầu ngón tay những sản phẩm gò, rèn công cụ sản xuất mang tính truyền thống mà chủ yếu bằng các máy cắt công nghiệp. Vậy nên, lo ngại sản phẩm thủ công truyền thống của phố cổ Hà Nội ngày càng phai nhạt giá trị văn hóa là nỗi trăn trở của nhiều cán bộ quản lý ở các phường trong khu phố cổ.
Phố cổ không là bảo tàng ngoài trời
Những con số biết nói của phố cổ Hà Nội như: 82ha, có tới 121 công trình di tích lịch sử, cách mạng và tôn giáo sẽ chưa thấm vào đâu đối với các TP di sản khác của thế giới. Nhưng cái quý giá nhất của khu phố cổ Hà Nội không phải là bao nhiêu công trình nhà ở, bao nhiêu di tích hiện hữu, mà là phức hợp cứng (công trình kiến trúc, đô thị) - mềm (các giá trị phi vật thể) được ví như tế bào của đô thị tồn tại một cách bền bỉ, tinh tế. Những giá trị này không đô thị nào trên thế giới có được. “Do đó, việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống khu phố cổ Hà Nội nên tiếp nối dòng chảy phát triển; không nên biến nó thành bảo tàng ngoài trời ” - KTS Hoàng Đạo Kính đề xuất.
Nhiều chuyên gia ủng hộ chủ trương mở rộng các tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa của Hà Nội đã được bảo lưu trong không gian của khu phố đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm. Để rõ hơn nét văn hóa Thăng Long - Hà Nội trên các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm, KTS Lê Văn Lân - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp là quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ Hà Nội quan tâm xây dựng nếp ứng xử thanh lịch, văn minh cho người dân khu phố cổ, kể cả những người đến thăm thú, vui chơi. Nên quy định người bán hàng mặc trang phục dân tộc; có thêm hoạt động trình diễn thời trang với phong cách dân tộc; ưu tiên, thu hút những mặt hàng dân gian, giàu giá trị văn hóa, thẩm mỹ; hạn chế bày bán, giới thiệu các mặt hàng thông thường…
Hiện nay, Hà Nội đã và đang phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội tham gia bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc khu phố cổ, trong đó có việc huy động vốn tham gia đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, xây dựng, cải tạo nhà ở, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.
Đôi khi một chiếc xẻng, một con dao làm theo cách truyền thống không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là nét văn hóa nghề khiến khách du lịch thích thú. KTS Hoàng Đạo Kính |