Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị trao đổi với các cử tri quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Viết Thành
Tránh “dĩ hòa vi quý” trong bỏ phiếu tín nhiệm
Tại cuộc tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội, nhưng chưa thật hài lòng với cách trả lời chất vấn của một số Bộ trưởng. Theo các cử tri, cách trả lời như vậy, chưa thể hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, đề nghị các ĐBQH cần tích cực đeo bám vấn đề hơn nữa, giám sát đến cùng các sự việc đã được trả lời chất vấn.Xung quanh Nghị quyết lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, cử tri đề nghị các ĐBQH phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với dân, có bản lĩnh chính trị trong quá trình bỏ phiếu tín nhiệm, không nên xuê xoa, nể nang, dĩ hòa vi quý. Cử tri Bùi Văn Hạnh (phường Phố Huế, Hai Bà Trưng) bày tỏ: Để tránh hình thức, người cầm lá phiếu phải thực sự công tâm và xác định trách nhiệm của mình, không phải bỏ phiếu tín nhiệm để cách chức mà để cán bộ thấy rõ hơn khuyết điểm của mình. Các cử tri cũng mong rằng, việc này tránh được tình trạng nhận trách nhiệm xong rồi để đấy, gây bức xúc trong nhân dân.
Một số cử tri quận Đống Đa bày tỏ sự băn khoăn trước vấn đề văn hóa từ chức và kiến nghị Quốc hội cụ thể hóa thành Luật Từ chức. Trong đó phân biệt rõ khái niệm từ chức và khái niệm bị miễn nhiệm, đi kèm với mức kỷ luật nặng hơn. Cử tri Ngô Hớn (phường Kim Liên, Đống Đa) thẳng thắn: Đã đến lúc cần có sự khởi đầu về văn hóa từ chức. Một đất nước văn minh thì không thể đợi đến khi bỏ phiếu bãi nhiệm rồi mới nghỉ.
Đại biểu Quốc hội nên gần dân hơn
Nêu vấn đề nhiều tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, cử tri Nguyễn Văn Thanh (phường Hàng Bột, Đống Đa) cho rằng, việc xem xét, nhìn nhận trách nhiệm của người đứng đầu ở đây chưa đúng mức.
Cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) bức xúc: Quốc hội cần có biện pháp để giám sát, ngăn chặn việc buôn lậu tràn lan, từ xăng dầu, đến con gà… và càng đến cuối năm càng khó kiểm soát. Nên chăng, Quốc hội phải sửa Luật cho nghiêm minh hơn, quyết liệt hơn để tránh gây thất thoát cho ngân sách và ảnh hưởng đến đời sống. Các cử tri cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng các công trình xây dựng, đặc biệt là các đập thủy điện; sự thiếu hiệu quả của hoạt động phòng chống tham nhũng… Cử tri Nguyễn Thụ (phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, các ĐBQH phải tăng cường trách nhiệm giám sát, xuống với dân, gần dân hơn, mới nghe thấu được tâm tư của người dân. Đồng thời, mong Luật Đất đai sớm được thông qua và đưa vào quyền sở hữu của nhân dân, tránh gây ra tham nhũng.
Cho rằng Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này chính là niềm vinh dự, tự hào của công dân Thủ đô, nhiều cử tri đã bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm công dân sống, làm việc như thế nào để góp sức xây dựng Thủ đô văn minh hiện đại. Cùng với các vấn đề chung, cử tri quận Hai Bà Trưng, Đống Đa cũng kiến nghị một số vấn đề cụ thể như cải tạo chung cư cũ, xử lý dứt điểm các vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ, GPMB đường Vành đai 1 và 2, phân bổ tiền lương…
Biểu thị sự đồng tình với những ý kiến, kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định: Đây cũng là những mong muốn chung của cử tri TP và cũng là những vấn đề các ĐBQH quan tâm. Bí thư Thành ủy cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu thực hiện từ năm tới là hiện thực hóa chủ trương của Đảng, cụ thể là Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI). Đây là biện pháp đề cao trách nhiệm cán bộ, của cả cấp dưới và cấp trên, của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Hà Nội từ năm 2013 cũng sẽ thực hiện việc thí điểm lấy phiếu tín nhiệm. Bí thư Thành ủy tin rằng, với việc thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm, nhiều vấn đề mà cử tri băn khoăn như trả lời chất vấn còn né tránh, đùn đẩy sẽ được khắc phục.
Giải đáp thắc mắc của cử tri về văn hóa từ chức, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Không có quy định nào cấm ai đó từ chức. Vấn đề hiện nay chỉ là chưa có người đi đầu, chưa có người gương mẫu về từ chức. Trong Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm vừa được Quốc hội thông qua, Nghị quyết cũng đã xác định khuyến khích việc từ chức đối với những người có tín nhiệm thấp. Còn nếu sau hai năm lấy phiếu tín nhiệm mà số phiếu tín nhiệm vẫn thấp thì đương nhiên sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu không từ chức. "Tôi có suy nghĩ, sang năm và những năm tới đây, nếu có vị nào mà sau khi lấy phiếu tín nhiệm cả hai lần đều thấp dưới 50, tôi chắc là sẽ có vị từ chức" - Bí thư Thành ủy bày tỏ.
Nói về Luật Thủ đô, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, đây là sự đáp ứng cần thiết đối với yêu cầu xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, nhưng chúng ta nên tiếp nhận Luật Thủ đô trước hết với tinh thần trách nhiệm và trách nhiệm cao nhất. Về các kiến nghị cụ thể của cử tri quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành TP kiểm tra, rà soát kỹ để làm rõ, trả lời cụ thể cho người dân.
Cùng ngày, các ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa.