Công trình được thiết kế, xây dựng theo phương án kiến trúc Con dấu chủ quyền. Theo đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Mỹ thuật Hà Nội, đơn vị được UBND thành phố Đà Nẵng giao thực hiện thiết kế nội thất trưng bày Nhà trưng bày Hoàng Sa, thì các tư liệu, hiện vật sẽ được bố trí trưng bày tại 3 tầng với diện tích hơn 400 m2.
Phối cảnh nhà trưng bày Hoàng Sa
|
Phương pháp trưng bày gồm hệ thống tư liệu bằng hình ảnh động và tĩnh hỗ trợ kỹ thuật, mỹ thuật đa phương tiện kết hợp tổng quan về vị trí địa lý tự nhiên, hành chính Hoàng Sa và các tư liệu về Hoàng Sa.
Các tư liệu, hiện vật được trưng bày theo 5 chủ đề: Tái dựng cột bia chủ quyền Hoàng Sa; trưng bày các hiện vật, tư liệu bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa các thời chúa Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam; bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1945 đến năm 1975 và từ sau 1974 tới nay...
PGS.TS Ngô Văn Minh, hội viên Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng cho rằng, đơn vị thực hiện đã có chủ đề trưng bày rõ ràng hơn, xâu chuỗi được chiều dài lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách liên tục.
Ý định của bảo tàng lần này thể hiện được Việt Nam đã phát hiện sớm nhất, đã khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa sớm nhất, luôn bảo vệ liên tục kể từ câu chuyện binh phu Hoàng Sa đến trận hải chiến năm 1974, đến bảo vệ của các ngư dân và lực lượng chấp pháp của Việt Nam hiện tại và cả sau này.