Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

LHQ cảnh báo thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ bất hợp pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên Hợp quốc (LHQ) và các nhóm nhân quyền hôm qua đã cảnh báo, thỏa thuận tạm thời của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu gửi trả tất cả những người di cư trái phép về Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy các trợ giúp chính trị và tài chính có thể là bất hợp pháp.

“Tôi quan ngại sâu sắc rằng, bất kỳ sự sắp xếp liên quan đến việc “gửi trả” một cá nhân từ quốc gia này đến quốc gia khác mà không giải thích rõ các biện pháp bảo vệ người tị nạn theo luật quốc tế”, Đại diện Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strabourg.

Phát biểu này được đưa ra sau khi 28 lãnh đạo EU thống nhất với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu rằng sẽ tài trợ thêm tiền, đẩy nhanh quá trình miễn thị thực vào EU cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các cuộc đàm phán gia nhập EU để nước này giữ lại người di cư và ngăn không cho họ đến châu Âu.

Tổ chức nhân quyền Ân xá thế giới đã gọi việc đề xuất gửi trả hàng loạt người di cư là “một đòn giáng vào quyền xin tị nạn”. Còn tổ chức Bác sĩ không biên giới cho rằng, điều này là vô nhân đạo.
Thỏa thuận giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ đang bị xem xét về tính hợp pháp.
Thỏa thuận giữa EU - Thổ Nhĩ Kỳ đang bị xem xét về tính hợp pháp.
Nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu khẳng định, thỏa thuận sơ bộ sẽ không ngăn những người tị nạn Syria hợp pháp tìm kiếm nơi trú ẩn ở châu Âu.

“Mục tiêu là ngăn những người tị nạn bất hợp pháp và phân loại những ai sẽ được EU chấp nhận”, ông Davutoglu nói.

Để thực hiện quyết tâm ngăn chặn di cư bất hợp pháp, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và Thủ tướng Hy Lạp đã ký một thỏa thuận sửa đổi để việc nhận trở lại người di cư dễ dàng hơn.

“Có thể chắc chắn rằng các thỏa thuận sẽ tuân thủ luật pháp châu Âu và quốc tế", phát ngôn viên của EC Alexander Winterstein phát biểu.

Bất chấp các lập luận bảo vệ thỏa thuận này, nhóm Xã hội Pháp đã chỉ trích chính sách của EU là “thực dụng" và các quốc gia thành viên EU sẵn sàng chà đạp lên những nguyên tắc để đi đến một kết quả “đáng xấu hổ” với Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà chỉ trích cũng lên án một đợt đóng cửa biên giới tại các tuyến đường di cư phía tây Balkan khiến 33.000 người bị mắc kẹt ở Hy Lạp, gây ra một thảm họa nhân đạo.