Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên kết đưa hàng hóa từ An Giang ra thị trường Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Doanh nghiệp (DN) TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết và hỗ trợ DN tỉnh An Giang trong việc tiêu thụ, quảng bá sản phẩm tại thị trường Hà Nội.

Đó là khẳng định của Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và cộng đồng DN Hà Nội với Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang Phan Văn Sáu và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh tại Lễ ký kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh An Giang và TP Hà Nội, ngày 2/4.

Chưa xứng với tiềm năng

An Giang có nhiều thế mạnh về sản xuất lúa gạo, thuỷ sản và có nhiều đặc sản như: cá linh, đường thốt nốt… Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, An Giang còn là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và hành hương.

Trong những năm qua, Hà Nội và An Giang đã hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, du lịch, giáo dục, nông nghiệp... Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã tổ chức xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng thu mua nông, hải sản phục vụ xuất khẩu. Đại diện Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết: Đơn vị đã xây dựng mới một số tour du lịch với An Giang và 5 tỉnh, TP miền Tây Nam Bộ.

Mặc dù thời gian qua DN hai địa phương đã có sự hợp tác liên kết trong việc trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch… Tuy nhiên, những hoạt động này vẫn ở quy mô nhỏ lẻ chưa tương xứng với tiềm năng 2 địa phương.

Liên kết đưa hàng hóa từ An Giang ra thị trường Hà Nội - Ảnh 1

Doanh nghiệp An Giang giới thiệu sản phẩm với doanh nghiệp Hà Nội tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam

Nâng chất lượng hàng hóa

Trong thời gian tới, để hàng hóa An Giang phát triển tại thị trường Hà Nội đòi hỏi DN tỉnh này phải cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam, đa phần hàng hóa của tỉnh An Giang đều chế biến theo phương pháp thủ công nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản lượng chưa đáp ứng được những đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, do khoảng cách địa lý hai địa phương khá xa, vận chuyển hàng hóa hiện phải qua nhiều nấc trung gian khiến giá thành bị đội lên làm mất lợi thế cạnh tranh.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch HĐQT Hapro cho rằng, hiện chỉ có mặt hàng thủy sản đông lạnh hoặc đã qua chế biến, gạo là phù hợp với cách thức tiêu thụ hiện đại trong siêu thị. Trong khi đó, những mặt hàng như hoa quả hoặc đặc sản địa phương chế biến theo phương pháp thủ công nên rất khó được siêu thị chấp nhận bởi chưa đáp ứng được những yêu cầu về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Intimex góp ý: Khi đưa sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm đã qua chế biến, DN An Giang nên để ý đến khẩu vị của người tiêu dùng miền Bắc là không ăn quá nhiều đường, muối; Trên bao bì sản phẩm cần ghi rõ cách thức chế biến; Tăng cường hơn nữa hoạt động quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng…

Mặc dù còn một số tồn tại cần khắc phục nhưng các DN Hà Nội đều khẳng định sẽ đẩy mạnh việc hỗ trợ DN An Giang trong tiêu thụ sản phẩm… Siêu thị Intimex, Fivimart, Lan Chi… sẽ dành vị trí thuận tiện nhất để An Giang trưng bày, bán sản phẩm; Hỗ trợ việc quảng bá sản phẩm trên hệ thống phát thanh trong siêu thị. Ngoài ra, các DN Hà Nội sẽ tăng cường liên kết trong việc đặt những đơn hàng với số lượng lớn, từ đó giảm thiểu chi phí vận chuyển cho DN An Giang…

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cho các DN An Giang quảng bá sản phẩm, tiếp cận nhanh, trực tiếp đến hệ thống bán lẻ và các nhà phân phối trên địa bàn TP cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh cho DN. TP sẽ yêu cầu các DN phân phối của Hà Nội đẩy mạnh việc thông tin về nhu cầu hàng hóa với các DN An Giang, từ đó tăng cường hoạt động tiêu thụ sản phẩm cho DN An Giang; Tăng cường hợp tác trong việc thu hút khách du lịch… Đây là cơ sở để việc liên kết giữa Hà Nội - An Giang đạt hiệu quả thiết thực hơn trong thời gian tới.