KTĐT - Theo các chuyên gia, để ngành nuôi và chế biến cá tra phát triển bền vững và tránh được những vụ kiện tụng về chất lượng, bán phá giá, thiếu nguyên liệu, đây chính là thời điểm để các bộ, ngành liên quan phối hợp xem xét, sắp xếp lại ngành này.
Hiện nay, giá cá tra xuất khẩu đã tăng lên mức trên 3 USD/kg và dự báo sẽ còn tăng. Các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết mặc dù giá cá tra nguyên liệu hiện đang tăng ở mức kỷ lục tăng từ 23.000-23.500 đồng/kg nhưng nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy đã cạn kiệt vì nông dân "treo ao" không dám đầu tư nuôi mới.
Do không có nguồn nguyên liệu, hơn 200 trong tổng số trên 300 doanh nghiệp phải tạm ngưng xuất khẩu cá tra.
Theo các chuyên gia, để ngành nuôi và chế biến cá tra phát triển bền vững và tránh được những vụ kiện tụng về chất lượng, bán phá giá, thiếu nguyên liệu, đây chính là thời điểm để các bộ, ngành liên quan phối hợp xem xét, sắp xếp lại ngành này.
Hướng tới thực hành nuôi tốt hơn
Sau thời gian nghiên cứu ngành công nghiệp nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, dự án “Phát triển thực hành nuôi tốt hơn cho nuôi cá tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long" (PMPs) do Chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn (CARD) của Aus AID tài trợ đã có đánh giá nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long đúng là “độc nhất vô nhị” của ngành nuôi trồng thủy sản thế giới.
Tính độc nhất của nghề nuôi này được thể hiện ở chỗ hệ thống nuôi có thể đạt năng suất trung bình 300-400 tấn sản phẩm/ha, đạt kỷ lục cao nhất trong mọi ngành sản xuất nông nghiệp trên thế giới. Diện tích ao nuôi chỉ xấp xỉ 5.400ha nhưng sản phẩm lại chiếm khoảng 65% tổng sản phẩm nuôi trồng ở châu Âu; tạo ra sinh kế cho người nghèo và người sống vùng nông thôn (đặc biệt là phụ nữ làm trong các cơ sở chế biến) so với các vùng nuôi trồng khác trên toàn thế giới.
Các ao nuôi cá có sự ưu đãi từ sông Cửu Long đó là cung cấp nguồn nước quanh năm và cũng có điều kiện bắt buộc là hệ thống nuôi này phải đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước… Sản phẩm của nó hầu như chỉ nhằm xuất khẩu và đang trở thành mặt hàng thay thế “cá trắng” đặc biệt đối với khẩu vị của người phương Tây.
Để giúp ngành này phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về chất lượng vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt và ngày càng tăng của người tiêu dùng, vừa qua, CARD đã phối hợp với Vụ nghề cá bang Victoria và liên kết với các cơ quan trong nước như Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ triển khai dự án PMPs cho các hộ nuôi cá tra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Người nuôi cá tra Đồng bằng sông Cửu Long nếu sớm dụng PMPs sẽ giảm bớt được chi phí nuôi, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, duy trì sự bền vững môi trường… đảm bảo sản phẩm được làm ra đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng mang tính toàn cầu.
Khẳng định tính hoàn thiện về công nghệ nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết lúc đầu người nuôi cá tra dựa vào con giống thiên nhiên, nay gần như toàn bộ dân nuôi cá đã lai tạo thành con giống nhân tạo, đảm bảo chất lượng cao từ con giống sạch bệnh đến quy trình nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1000CM, SQF 2000 CM, Global GAP.
An Giang hiện có 3 doanh nghiệp được chứng nhận các tiêu chuẩn này. Tỉnh An Giang đã hình thành 5 vùng nguyên liệu tập trung, ký kết hợp đồng sản xuất nuôi trồng thủy sản với ngư dân của 5 doanh nghiệp là Công ty Agifish, Afiex, Asia Feed, Việt An và Ntaco… áp dụng tiêu chuẩn SQF 1000 CM và Global GAP, với tổng diện tích nuôi là hơn 253ha diện tích mặt nước, tương ứng sản lượng 155.700 tấn/năm, đáp ứng 50% nhu cầu cá tra đạt tiêu chuẩn an toàn chất lượng vệ sinh thực phẩm xuất khẩu của tỉnh.
Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ sản xuất Thuận An đang hoàn tất các bước xây dựng vùng nguyên liệu có sản lượng trên 20.000 tấn cá tra/năm theo tiêu chuẩn Global GAP.
Sắp xếp lại ngành nuôi và chế biến cá tra
Hiện đầu ra của cá tra ổn định nên kim ngạch xuất khẩu những tháng qua đều tăng. Tuy nhiên, do các doanh nghiêp thiếu đoàn kết chặt chẽ, không đầu tư chiều sâu, tình trạng mạnh ai nấy bán, giá cả không thống nhất, chất lượng sản phẩm chưa được kiểm soát… nên bị các nước nhập khẩu “ép giá”. Theo các chuyên gia trong nghề cá, muốn phát triển bền vững phải giải quyết tốt chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến và xuất khẩu, vì vậy cần sắp xếp lại nghề nuôi này.
Các doanh nghiệp nuôi và xuất khẩu cá tra lâu đời ở An Giang cho rằng lâu nay nhiều người nghĩ xuất khẩu cá tra là nghề siêu lợi nhuận nên đã có không ít người nhảy vào làm.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, lúa gạo, du lịch… không có chuyên môn nghề cá cũng đầu tư xây dựng nhà máy; nông dân chưa từng nuôi cá, không nắm kỹ thuật và quy trình nuôi cũng phá bỏ ruộng vườn đào ao, hầm nuôi cá. Có quá nhiều người nuôi, nhiều doanh nghiệp chế biến dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá bán để giành khách, hạ giá mua nguyên liệu của nông dân. Kết quả là hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, nông dân treo ao vì càng nuôi càng lỗ.
Theo thống kê, cả nước có gần 281 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra nhưng chỉ có vài chục doanh nghiệp đầu tư một cách bài bản, tạo được vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Điển hình là các mô hình liên kết sản xuất cá tra xuất khẩu rất thành công như Công ty Sohafood hợp tác với Công ty thủy sản Sông Hậu; Công ty Caseamex với Hợp tác xã nuôi cá tra Hiệp Phát và một số hộ nuôi; Công ty Bình An, Công ty Hùng Vương (Tiền Giang) với Hợp tác xã nuôi cá tra xuất khẩu Thới An (Ô Môn).
Theo Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, phần lớn doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã đầu tư xây dựng nhà máy với công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, ứng dụng các kỹ thuật nuôi an toàn, đạt tiêu chuẩn quốc tế vào vùng nuôi như đánh mã vạch trên cá tra.
Người nuôi luôn tìm tòi, ứng dụng các kỹ thuật mới, đảm bảo các tiêu chí chế biến xuất khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích nuôi lớn đều có quy hoạch vùng nuôi và khuyến cáo người nuôi tập trung sản xuất an toàn, liên kết tạo ra nguồn nguyên liệu quy mô lớn, ổn định.
Thực tế trên cho thấy ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá tra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đủ điều kiện để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đủ sức cạnh tranh với các loại thủy sản khác trên thế giới tuy nhiên cần phải tổ chức, sắp xếp lập lại trật tự trong nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá tra cho hợp lý.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc phải đưa cá tra vào ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện, giống như Nghị định 109 quy định về điều kiện của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được ban hành; với cá tra thì thuận lợi hơn vì đã có quy hoạch vùng nuôi, khi nhà máy có hợp đồng liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu thì mới cấp phép hoạt động.
Để ngành nuôi và chế biến cá tra phát triển bền vững, phải giải quyết thấu đáo chuỗi giá trị “nuôi-chế biến-xuất khẩu.” Sau thời gian phát triển rầm rộ, đã đến lúc phải sắp xếp lại nghề này. Cá tra đã có sân chơi lớn nên phải được tổ chức, quy hoạch, có sự đầu tư bài bản về vốn, kỹ thuật, công nghệ hiện đại…
Xu thế phát triển tới đây là “liên kết," đặt chất lượng lên hàng đầu, theo đó cần xem xét ưu tiên về vốn, cơ chế thông thoáng với những doanh nghiệp làm tốt, có đóng góp tích cực cho nghề cá để các doanh nghiệp này an tâm đầu tư mở rộng sản xuất đồng thời phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp làm ăn gian dối./.