Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, cảnh báo nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang bị đẩy vào tình trạng khó khăn do thiếu hụt đầu tư và các chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế hàng đầu khác. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild hôm Chủ Nhật (ngày 15/12), ông Habeck nhấn mạnh nước Đức vẫn có cơ hội xoay chuyển tình thế mặc dù đang gặp nhiều thách thức nghiêm trọng.
Theo Bộ trưởng Habeck, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hiện tại phần lớn đến từ việc chính phủ Đức không thực sự chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải cách hệ thống thuế hay nâng cao kỹ năng lao động. Ông cho rằng đây là những yếu tố đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, nền kinh tế số một châu Âu có thể phải đối mặt với thách thức lớn khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế cao đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa. Chính sách này có thể sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp ô tô Đức, lĩnh vực chiếm khoảng 5% GDP của đất nước.
Ngoài ra, việc xe điện sản xuất tại Trung Quốc đang tràn ngập thị trường EU cũng gây áp lực lớn lên ngành công nghiệp ô tô Đức.
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo ở Munich, việc áp thuế mới từ phía Mỹ có thể khiến Đức thiệt hại tới 33 tỷ euro (34,52 tỷ USD) và làm giảm 15% lượng hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Triển vọng tăng trưởng bị thu hẹp
Hôm thứ Sáu, ngân hàng trung ương Đức đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 1,1% xuống còn 0,2%. Cơ quan này dự đoán GDP sẽ giảm 0,2% trong năm 2024, đánh dấu năm suy giảm thứ hai liên tiếp sau mức giảm 0,3% vào năm 2023.
Văn phòng Thống kê Liên bang (Destatis) cho rằng nguyên nhân chính của tình trạng suy giảm kinh tế là lạm phát kéo dài, giá năng lượng cao, và nhu cầu yếu từ nước ngoài.
Dù nền kinh tế Đức đã thoát khỏi suy thoái kỹ thuật – hai quý liên tiếp có tăng trưởng âm - trong quý 3/2024, tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn kỳ vọng. Theo Destatis, GDP chỉ tăng 0,1% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, thấp hơn mức dự báo 0,2%.
Cục Thống kê báo cáo mức tiêu dùng của hộ gia đình tăng 0,3% và chi tiêu chính phủ tăng 0,4%. Tuy nhiên, đầu tư cố định giảm 0,1%, xuất khẩu giảm 1,9% trong khi nhập khẩu tăng 0,2%, khiến thương mại ròng kéo GDP giảm xuống.
So với cùng kỳ năm ngoái, GDP quý 3 năm 2024 thấp hơn 0,3%, đánh dấu quý thứ năm liên tiếp nền kinh tế Đức sụt giảm theo năm.
Bối cảnh chính trị đầy biến động
Tình trạng suy thoái kinh tế xảy ra trong bối cảnh nước Đức đang phải đối mặt với bất ổn chính trị sâu rộng. Chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng Olaf Scholz đã sụp đổ sau khi ông sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner vào đầu tháng 12. Một cuộc bầu cử liên bang bất thường sẽ được tổ chức vào ngày 23/2/2025 với việc ông Robert Habeck có thể sẽ tranh cử vị trí thủ tướng.
Dù tình hình hiện tại đầy thách thức, Bộ trưởng Habeck vẫn lạc quan về khả năng phục hồi của Đức. Ông cho rằng các vấn đề hiện tại, dù nghiêm trọng, vẫn có thể giải quyết được.
Đức cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải thiện hệ thống thuế, và nâng cao năng lực lao động để thích ứng với những thay đổi toàn cầu. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chính sách thương mại mở, cải thiện năng suất công nghiệp, và ứng phó hiệu quả với cạnh tranh từ Trung Quốc sẽ là những yếu tố quan trọng để đưa nền kinh tế Đức quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.