Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liệu pháp tế bào gốc sử dụng trong thẩm mỹ: Khoa học hay thương mại?

TS Nguyễn Thượng Vũ – chuyên gia nghiên cứu tế bào gốc tại Hoa Kỳ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng quảng cáo làm đẹp bằng tế bào gốc (TBG) bát nháo tại Việt Nam, TS Nguyễn Thượng Vũ – một chuyên gia nghiên cứu về tế bào gốc tại Mỹ rất bức xúc về vấn đề này.

Vừa qua, ông được Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh mời về giảng trong chương trình đào tạo cao cấp cho các bác sĩ về tế bào gốc. Để giúp người dân hiểu đúng hơn về tế bào gốc, từ Mỹ, ông đã gửi cho Kinh tế & Đô thị nhiều bài viết xung quanh đề tài này. Báo Kinh tế & Đô thị xin đăng bài: “Liệu pháp tế bào gốc sử dụng trongthẩm mỹ: Khoa học hay thương mãi”:
 Ảnh minh họa
TBG cho rất nhiều hứa hẹn trong nỗ lực tìm kiếm phương cách mới để chữa trị các căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng sự tiến bộ trong việc xác định lợi ích thực sự và vấn đề an toàn trước mắt và lâu dài, vẫn còn rất nhiều câu hỏi. Cơ quan kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn chưa cho phép bất cứ ai dùng phương pháp điều trị TBG trong các phòng mạch, hoặc thẩm mỹ viện của họ. Trong khi kiến thức về tiềm năng, lợi ích về TBG mỗi ngày một tăng lên, các khoa học gia cũng khám phá được tiềm năng nguy hiểm khi TBG bị thay đổi, như nguồn gốc và khả năng gây ung thư.
Các bác sĩ chuyên nghiên cứu và các khoa học gia trên toàn thế giới vẫn còn đang nỗ lực tìm kiếm bằng chứng hiệu quả thực sựvà sự an toàn của việc ứng dụng TBG vào y khoa trên con người. Trong khi đó, trong hoàn cảnh kinh tế khủng hoảng toàn cầu, giới thương mãi đã nhanh chóng nhảy vào trong tiếp thị TBG để tìm cơ hội, mặc dầu không có một bằng chứng chân thật nào chứng minh cho các tiếp thị của họ. Trong đó ngành thẩm mỹ, vốn đã phức tạp, đã trở nên phức tạp hơn.
Các tin tức chính xác về các nghiên cứu khoa học và các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp TBG, cũng như luật pháp về vấn đề này đã có sẳn và được cập nhật trên các trang web của các học viện, viện y tế, cơ quan chính phủ như FDA ở Hoa Kỳ bằng Anh ngữ. Đáng tiếc thay hiện nay các tin tức đó chưa được dịch ra Việt ngữ bởi các trang web chính thức trên. Hậu quả là cộng đồng người Việt, nhất là trong nước, trở nên đối tượng của các tiếp thị “liệu pháp TBG” dối trá và phi pháp.  Ngay cả ở Hoa Kỳ, mặc dầu các “liệu pháp TBG” trong thẩm mỹ hiện nay không được chấp thuận bởi cơ quan FDA, chúng vẫn được tiếp thị một cách trắng trợn bởi một số bác sĩ và thương gia qua các phương tiện truyền thông bằng Việt ngữ, thường đã tránh né được sự kiểm soát của cơ quan kiểm soát thực phẩm và thuốc men Hoa Hỳ (FDA)
Vì lý do trên, mọi cần cảnh giác khi nghe thấy các tiếp thị “phẩu thuật thẩm mỹ với tế bào gốc không cần cắt”, hoặc “kem thoa mặt với TBG/tế bào da”, hoặc “thực phẩm chức năng TBG” v.v… hứa hẹn “căng da mặt vĩnh viển”, “cải lão hoàn đồng”, “trẻ mãi không già”, “tìm lại tuổi xuân” v.v…
Chúng tôi sẽ thảo luận về thực chất của ba vấn đề chính: 1.Các tiếp thị hứa hẹn căng da mặt và trẻ hóa bằng phẫu thuật cấy TBG từ mỡ hoặc máu của khách hàng. 2. Các tiếp thị hứa hẹn làm đẹp da mặt, trẻ hóa, trị nám, trị mụn v.v…với các mỹ phẩm TBG chiết xuất từ bào thai con cừu, bột nhau cừu, hoặc chiết xuất TBG từ các sinh vật khác kể cả con người. 3.Các tiếp thị hứa hẹn làm đẹp da mặt, trẻ hóa, giảm cân, mọc tóc v.v… và thậm chí “trị bá bệnh” bằng thực phẩm chức năng TBG  với “thuốc TBG” như huyết thanh, các loại chiết xuất từ bào thai cừu, bột nhau cừu, hoặc các loại “sản phẩm TBG” khác.
 “Phẫu thuật thẩm mỹ với TBG không cần cắt”?
“Phẫu thuật hoặc ứng dụng cấy TBG từ mỡ tự thân” hoặc “cấy TBG từ máu tự thân, chủ yếu cho thẩm mỹ”, có thật hay không? Ứng dụng cấy TBG từ mỡ tự thân chủ yếu cho thẩm mỹ” là phương pháp được quảng cáo rất phổ biến ở Việt Nam và các quốc gia, mà luật lệ kiểm soát an toàn về y khoa, thuốc men, và thực phẩm rất lỏng lẻo như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái lan v.v…  Ngay ở Hoa Kỳ là quốc gia có luật lệ kiểm soát rất nghiêm khắc, cũng xuất hiện tiếp thị này với tên “phẩu thuật thẩm mỹ cấy TBG từ mỡ” (Cosmetic adipose/fat stem cell transplantation).
Trong các tiếp thị này, các bác sĩ quảng cáo là họ sẽ rút mỡ từ dưới da bụng của khách hàng, chiết ra những TBG từ tế bào mỡ và kích thích chúng với những “dược chất đặt biệt” do chính họ nghiên cứu, và sau đó tiêm ngược trở lại vào da mặt của khách hàng.  Họ quảng cáo rằng, các TBG sẽ tự sinh sản và biệt hóa để thay thế tế bào da bị lão hóa và kết quả là da căng và hồng hào hơn. Họ gọi “phát minh” này là “kỹ thuật nâng da mặt bằng TBG” (Stem Cell FaceliftTM, Stem Cell LiftTM, Stem Cell Face ScupturingTM, v.v…), nghe rất “khoa học” nhưng thực chất, chỉ là những thương hiệu cầu chứng (trade mark) được đặt ra bởi một số bác sĩ thẩm mỹ.
Hiện nay, các liệu pháp dùng TBG trong thẩm mỹ không được chấp nhận bởi cơ quan kiểm soát an toàn về y khoa, thuốc men và thực phẩm của Hoa Kỳ, FDA. Theo tuyên bố chung của hai hiệp hội, Hiệp hội phẫu thuật tạo hình thẩm Mỹ và Hiệp hội phẫu thuật tạo hình của Hoa Kỳ, dùng TBG trong phẫu thuật thẩm mỹ trong tương lai mang đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, quảng cáo tiếp thị hiện nay là quá lố, không đúng với thực tế chứng minh bởi khoa học.
Hiện nay kết quả của các thí nghiệm về "liệu pháp TBG" hay "phẫu thuật cấy TBG" trong thẩm mỹ không được chứng minh là có kết quả dựa trên thực tế lâm sàng. Họ cũng đã khuyến cáo là trong khi liệu pháp TBG trong tương lai, có thể có khả năng mang lại lợi ích cho các ứng dụng y tế, thực tế hiện nay chưa đủ dữ liệu lâm sàng, để đánh giá các ứng dụng thật sự. Do đó đòi hỏi cần phải thu thập thêm nhiều bằng chứng lâm sàng, cho đến khi đủ bằng chứng để chứng minh sự an toàn và hiệu quả thật sự.
Sự thật về tiếp thị “Ứng dụng cấy TBG từ mỡ tự thân chủ yếu cho thẩm mỹ” trong thị trường
Mặc dù luật pháp Hoa Kỳ đã rõ như nêu trên, gần đây trên đài truyền hình Việt ngữ tại Hoa Kỳ, chúng tôi đã thâu được một bác sĩ nội thương người Việt tiếp thị giải phẫu thẩm mỹ bằng liệu pháp TBG để nâng da mặt, ngực, v.v… bằng cách rút TBG từ mỡ và máu của khách hàng và chích ngược trở lại khách hàng.
Tương tự, trong các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ, một vài bác sĩ dùng phương tiện truyền thông bằng ngoại ngữ, để đưa ra nhiều tin tức thất thiệt, nhằm tiếp thị “liệu pháp TBG” để tránh sự kiểm soát của FDA.
Chúng ta cũng thấy hiện tượng này xảy ra với một vài bác sĩ mỹ như trường hợp như bác sĩ Nathan Newman đưới đây, xảy ra khá phổ biến trên internet.  Để tìm hiểu hư thực như thế nào, chúng tôi đưa một ví dụ đã được viết bởi nhà báo Sally Wadyka của tờ New York Times vào tháng 4, 2013 với đề tài “Cuộc tranh luận về nâng da mặt bằng TBG”. Trong đó, Sally Wadyka dẫn chứng một tài tử điện ảnh, Eva Campbell-Morales 51 tuổi, gầy ốm, rất hài lòng với kết quả “nâng da mặt bằng TBG” thực hiện bởi bác sĩ thẩm mỹ về da, Nathan Newman ở vùng Beverly Hill, nơi gia cư của các triệu phú tài tử của thủ đô điện ảnh Hollywood.
Khi Eva Campbell-Morales đã ở độ tuổi 50 của mình, bà nhận thấy rằng khuôn mặt của bà tự nhiên đã thon gọn nay đột nhiên bắt đầu trông hốc hác và già nua. Bà nói: " Thon gọn có nghĩa là tôi nhìn tuyệt với thân hình thon gọn của tôi, nhưng khuôn mặt của tôi hốc hác trông giống người gác nghĩa địa”,  Campbell-Morales đã tham vấn rất nhiều bác sĩ thẩm mỹ danh tiếng trong vùng và không ai nghĩ là bà tài tử này cần phải làm căng da mặt. Nhưng bác sĩ Newman khuyên là nên bơm TBG từ mỡ.
Bác sĩ Nathan Newman rất nổi tiếng qua các quảng cáo thương mãi của ông trên internet, báo chí, truyền thông, truyền hình v.v… Chúng tôi tìm hiểu trên website kinh doanh của ông và được biết ông là nhà sáng tạo của kỹ thuật “nâng da mặt bằng TBG” – là phẫu thuật thẩm mỹ tiên tiến, chỉ chích mỡ vào da mà không cần cắt.