Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Linh vật Việt: Lấy giá trị di sản để cạnh tranh

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một đôi linh vật Việt có giá cao gấp rưỡi linh vật ngoại lai; những con nghê Việt trông không dữ dằn như sư tử đá Trung Quốc đã có một cuộc chiến dành chỗ suốt 3 năm qua.

Tuy không dễ dàng, nhưng giá trị thẩm mỹ của di sản thủ công, khác với linh vật sản xuất công nghiệp cũng đã có chỗ đứng. Nhiều bộ linh vật thời xa xưa đang có khả năng được công nhận là bảo vật quốc gia.
Chờ ghi danh năm 2018

3 năm trước, Bộ VHTT&DL đã ra Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL nhằm chấn chỉnh tình trạng linh vật ngoại lai xuất hiện tràn lan ở công sở và di tích đền chùa. Hà Nội là địa phương đi đầu di dời các linh vật ra khỏi nơi thờ tự. Hàng loạt các đôi sư tử đá, tượng Phật bà Quan âm ở đền đình Mộ Lao (Hà Đông), chùa Chèm (Bắc Từ Liêm), hay trước cửa một vài trụ sở ngân hàng đã được tự nguyện di dời. Ở đền Lê Chân, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng), sư tử đá cũng không còn ngạo nghễ chiếm giữ cổng hoặc trước lư hương.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTT&DL) Trần Thị Thu Đông cho rằng: Bên cạnh những dịch chuyển nhìn thấy, thực tế nhiều người dân còn không phân biệt được đâu là tượng, hiện vật ngoại lai. Đặc biệt, quá nhiều người dân ưa sự hoành tráng, giá thành rẻ từ sư tử ngoại lai, nên dù đã sau 3 năm, linh vật ngoại lai vẫn có cơ hội tồn tại.

Tượng linh vật trong Khu di tích đền thờ Hai Bà Trưng ở huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Các nhà quản lý văn hóa nói nhiều đến việc tuyên truyền, vận động, để linh vật Việt có chỗ đứng, nhưng theo TS Trần Hậu Yên Thế - người say mê di sản mỹ thuật của người Việt, giá trị di sản văn hóa là sức mạnh để linh vật Việt thắng thế. Bằng chứng là hệ thống linh vật Việt (rồng, nghê, chó…) ở đền vua Lê, vua Đinh trong khu di tích cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) được đánh giá là bộ linh vật giá trị có một không hai về điêu khắc mỹ thuật tạo hình và mang đặc trưng văn hóa người Việt. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết: “Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt là bảo vật văn hóa quốc gia”. Các chuyên gia đánh giá, bộ linh vật Việt ở khu di tích Hoa Lư rất có cơ hội để được ghi danh năm 2018.

Làm giàu từ linh vật Việt

Bên cạnh những mẫu linh vật cổ giá trị, rất nhiều mẫu linh vật Việt đang được các xưởng sản xuất phục dựng, phát triển mang tính ứng dụng với đời sống. Nhà điêu khắc Lương Trịnh từng tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam, giờ là Giám đốc Công ty Mỹ thuật Lương Gia ở làng đá Ninh Vân (Ninh Bình) thông tin: Giá của linh vật Việt gấp rưỡi linh vật ngoại lai vì phải sản xuất thủ công, nhưng hơn 3 năm nay, số lượng người đặt chế tác nghê đã vượt sư tử đá. Nhiều xưởng sản xuất đã “sống khỏe” nhờ làm linh vật Việt. “Phục chế, sáng tác các mẫu nghê Việt hay nhiều sản phẩm linh vật Việt thực tế kích thích rất nhiều cảm hứng và khả năng sáng tạo của nghệ sĩ” – nhà điêu khắc Lương Trịnh cho biết.

Ở xưởng sản xuất của Công ty Vạn Bảo Ngọc có hàng trăm công nhân làm cật lực ngày, đêm, nhưng vẫn không đủ hàng để bán. Bởi những sản phẩm di sản, văn hóa luôn có sự riêng biệt. Chính các mẫu nghê, trâu, phù điêu cổ đang được nghiên cứu đưa ra thị trường làm đồ lưu niệm đã góp phần khỏa lấp chỗ trống về sản phẩm du lịch văn hóa của Việt Nam, phần nào đáp ứng nhu cầu sản phẩm quà tặng truyền thống, không phụ thuộc vào các sản phẩm quà tặng mang biểu tượng nước ngoài. Chính giá trị văn hóa Việt làm nên giá trị bền vững cho những bộ linh vật có từ xa xưa hay sản phẩm mới ngày nay.

“Nhìn một cách toàn cảnh, văn hóa Việt từng bị linh vật ngoại lai chèn ép, đặc biệt là nạn sư tử đá hoành hoành, song không thể phủ nhận, linh vật Việt luôn có một tiềm năng vô cùng to lớn cho lĩnh vực sáng tạo văn hóa nói chung và nghệ thuật thị giác nói riêng”.

TS Trần Hậu Yên Thế - Giảng viên Đại học Mỹ thuật