Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2014, hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước.
Hàng chục nghìn doanh nghiệp được thành lập
Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong tháng 5/ 2014, cả nước có 5.499 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 30.217 tỷ đồng, giảm 25,4% về số doanh nghiệp và giảm 33,5% về số vốn đăng ký so với tháng 4/2014.
Riêng về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong tháng 5/2014 là 6.713 doanh nghiệp. Bao gồm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả nước là 6.086 doanh nghiệp tăng 33,3% so với tháng 4 năm 2014. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có đăng ký là 831 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký hoặc chờ đóng mã số doanh nghiệp là 5.255 doanh nghiệp.
Ảnh Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Cùng với đó, số doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục giải thể của cả nước là 627 doanh nghiệp, giảm 9,7% so với tháng 4/2014.
Về số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong tháng 5, cả nước có 1.131 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động.
Mặc dù vậy, theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2014, cả nước có 31.228 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 173.624 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2013 thì số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 0,7% và số vốn đăng ký tăng 11%.
Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động hoặc giải thể trong 5 tháng đầu năm 2014 là 27.867 doanh nghiệp, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động của cả nước là 23.965 doanh nghiệp tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, số doanh nghiệp có đăng ký tạm ngừng hoạt động là 5.229 doanh nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký hoặc chờ đóng mã số doanh nghiệp là 18.736 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục giải thể của cả nước là 3.902 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Lý giải về tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động 5 tháng đầu năm 2014 tăng 20,5% so với cùng kỳ, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do năm 2014 bổ sung một lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp để chuyển sang tình trạng giải thể. Số doanh nghiệp này trước đây không đưa vào số lượng doanh nghiệp tạm ngừng, lý do các doanh nghiệp này thực chất đang trong quá trình giải thể.
“Trong thời gian qua, số doanh nghiệp này cũng chưa được tính vào số doanh nghiệp giải thể (do chưa hoàn thành thủ tục giải thể). Tuy nhiên, để đảm bảo bao quát được tình trạng của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế, báo cáo lần này tạm bổ sung số lượng doanh nghiệp nói trên vào tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải.
Đối với số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 6.994 doanh nghiệp ngừng hoạt động nay đã quay trở lại hoạt động.
Dịch vụ phục vụ cá nhân được nhiều công ty lựa chọn
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2014, hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh duy nhất có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng trong khi số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước (thành lập mới tăng 11,5%, dừng hoạt động giảm 22,9%).
Trong khi đó, tại một số ngành khác đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động cùng tăng trong việc gia nhập đồng thời rút lui của các doanh nghiệp trên thị trường so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, nghệ thuật, vui chơi và giải trí (thành lập mới tăng 42,9%, dừng hoạt động tăng 29%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 37,8%, tăng 8%); Kinh doanh bất động sản (tăng 32,9%, tăng 20,6%); Sản xuất phân phối điện, nước, gas (tăng 21,9%, tăng 25%); Thông tin và truyền thông (tăng 20,7%, tăng 50,4%).
Ngược lại với các ngành có xu hướng tốt cũng như có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, vẫn còn một số ngành còn thể hiện sự khó khăn so với cùng kỳ năm trước, khi có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng.
Điển hình như, bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (thành lập mới giảm 7,2%, dừng hoạt động tăng 24,2%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (thành lập mới giảm 4,5%, dừng hoạt động tăng 12,9%); Xây dựng (thành lập mới giảm 4%, dừng hoạt động tăng 23,7%).