Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ điểm yếu trong quản lý vốn huy động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, không ít doanh nghiệp (DN) đã kịp tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 lần so với đầu năm. Đi kèm với việc tăng vốn là những dự án được công bố rất hoành tráng…

Một loạt doanh nghiệp lớn tăng huy động vốn

Đứng đầu danh sách DN tăng vốn khủng phải kể đến Công ty CP Tập đoàn FLC. Hiện, vốn điều lệ của DN này đạt 3.148 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm 2014. Như vậy, sau chưa đầy 5 năm hoạt động, FLC đạt được sự tăng trưởng "thần kỳ" về quy mô vốn, khi tăng tới 174 lần (từ 18 tỷ đồng năm 2008). Cùng với việc tăng vốn, FLC đưa ra hàng loạt dự án lớn tại Thanh Hóa, Nha Trang, Phú Quốc… với số vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Tương tự FLC, một DN khác là KLF (Công ty CP Đầu tư Liên doanh Quốc tế KLF) cũng có kế hoạch tăng vốn ấn tượng từ 740 tỷ đồng lên gấp đôi trong thời gian tới, với hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Lộ điểm yếu trong quản lý vốn huy động - Ảnh 1
Hoạt động nghiệp vụ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
 
Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã có tới gần 50 DN lên kế hoạch tăng vốn. Trong đó có thể kể đến những DN khá nổi tiếng như FIT, PAN, KBC, ITA, SHI, thủy sản Hùng Vương, khoáng sản Bình Thuận, Đầu tư Việt Hàn… Đáng chú ý, nếu như trước đây tăng vốn chủ yếu qua phát hành trái phiếu thì nay DN tăng vốn chủ yếu theo hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu.

Bất ổn trong cơ chế giám sát

Việc tăng vốn qua TTCK có tính hai mặt. Theo lãnh đạo một công ty mới đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán, DN này sẽ tăng vốn lên quy mô gấp đôi so với hiện nay để có nguồn lực tài chính triển khai nhiều dự án đã có đất sạch. Ở thời điểm huy động vốn của khách hàng trả trước như hiện nay gặp khó khăn, nguồn vốn từ cổ đông sẽ rất quan trọng với DN vì áp lực trả lãi không quá nặng nề. Nếu DN làm ăn thuận lợi có thể trả cổ tức cho cổ đông, còn không thì có thể báo cáo cổ đông chờ tích lũy cho tương lai. Trở lại với trường hợp của FLC, chưa rõ ngân hàng sẽ mạnh tay rót vốn cho DN như thế nào để triển khai các dự án, chỉ biết rằng thời điểm hiện nay, đầu tư bất động sản đã không còn dễ kiếm lời như trước. Nếu DN không có tiềm lực tài chính, rất có thể dự án sẽ rơi vào cảnh dở dang. 

Theo nhận định của các chuyên gia, mặt trái của việc DN tăng vốn ồ ạt mà thiếu cơ chế kiểm soát có thể ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, gián tiếp gây ra hiệu ứng tiêu cực cho TTCK nếu DN làm ăn kém hiệu quả, gây thất thoát vốn cho cổ đông. Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có cơ chế giám sát việc tăng vốn có được thực hiện nghiêm túc giữa các cổ đông hay không, bởi vậy có nhà đầu tư đặt câu hỏi: Liệu cổ đông lớn, ban lãnh đạo DN có rót tiền vào DN như các cổ đông khác hay chỉ rót vốn ảo?

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ quy định DN báo cáo việc sử dụng vốn trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc đợt phát hành. Tuy nhiên, thời gian qua, việc báo cáo sử dụng vốn khá qua loa, những DN sau đợt báo cáo lần một, sẽ sử dụng vốn như thế nào, không có cơ quan nào giám sát tiếp. Câu chuyện các DN bất động sản như Sông Đà Thăng Long, một DN niêm yết trên sàn, sử dụng vốn huy động được từ các khách hàng trả trước đầu tư tràn lan cho hàng chục dự án khắp trong Nam ngoài Bắc khiến dự án dở dang là một ví dụ.

TTCK đã trải qua cơn đau kéo dài bắt đầu từ năm 2010 khi DN ồ ạt huy động vốn và sử dụng kém hiệu quả khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường. Nay, việc DN phát huy chức năng của thị trường với vai trò kênh dẫn vốn trung, dài hạn là đáng quý. Song, nếu DN lạm dụng TTCK, cơ quan quản lý lại thiếu chế tài kiểm soát và xử phạt, đến một lúc nào đó, việc sử dụng vốn kém hiệu quả, nhà đầu tư sẽ lại mất niềm tin. 5 năm qua là quãng thời gian để thị trường phần nào lấy lại niềm tin với nhà đầu tư, nếu tình trạng trên lại tái diễn, quãng thời gian hồi phục có thể lâu hơn và cái giá sẽ là rất đắt.