Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng lớn trong quản lý di tích

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những ngày qua, dư luận bất bình không ít trước việc Ban quản lý chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phá dỡ gian Nhà tổ và Gác khánh (có niên đại cả ngàn năm tuổi) để… xây mới toàn bộ.

 
 
Dù hiện tại, công trình đã bị đình chỉ thi công, Sư trụ trì chùa đã nhận sai sót, nhưng câu chuyện di tích bị đập đi xây mới trong suốt 3 tháng trời, mà các cấp quản lý từ địa phương tới T.Ư "chẳng hay biết gì", đã cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý.

Không hiểu luật

Ngay sau khi nhận được thông tin từ báo chí về việc Di tích lịch sử cấp quốc gia chùa Trăm Gian bị phá khu Nhà tổ và Gác khánh để xây mới, đoàn thanh tra của Bộ VHTT&DL đã xuống hiện trường kiểm tra.

Báo cáo về việc nhà chùa tự ý tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian khi chưa có văn bản đồng ý của Nhà nước, sư trụ trì Thích Đàm Khoa đã nhận trách nhiệm: "Do một số hạng mục bị xuống cấp, nhà chùa đã xin với Sở VHTT&DL tu bổ từ năm 2007, 2008 nhưng chưa được. Do vậy, nhà chùa đã tự ý tháo dỡ để trùng tu. Nhà chùa nhận sai sót về việc làm của mình". Như vậy, vì không hiểu luật, thiếu hiểu biết, nên nhà chùa đã để xảy ra sự việc gây hậu quả nghiêm trọng này.

Lỗ hổng lớn trong quản lý di tích - Ảnh 1

Gác khánh được xây mới trên nền cũ bằng gỗ lim. Ảnh: Hạnh Phúc.

Theo ghi nhận của phóng viên, 2 dãy nhà thờ Phật ở hai bên và gian chùa chính vẫn được giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, Gác khánh và Nhà tổ đã bị dỡ bỏ toàn bộ. Trên nền cũ, nhà chùa đã cho dựng mới hoàn toàn bằng gỗ lim. Về cơ bản, phần cột, kèo và mái của gian Nhà tổ đã hoàn thiện, còn phần Gác khánh mới làm tới phần khung. Trước cổng chùa, những cột gỗ lim mục rỗng được chất thành đống, gạch ngói, vôi vữa xếp la liệt khắp nơi…

Theo biên bản của Thanh tra Bộ VHTT&DL, "việc tu bổ, tôn tạo di tích không được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục của Quyết định 05/2003 của Bộ VHTT&DL về việc ban hành quy chế tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh". Do đó, Bộ đã tạm đình chỉ xây dựng chùa Trăm Gian để hoàn thiện quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật.

Xã biết nhưng… làm ngơ

Ông Tống Bá Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương cho biết: "Nhà chùa đã sử dụng tiền công đức để mua gỗ lim và gọi thợ mộc về chạm khắc cả năm nay”. Ông Lương cho biết thêm, dự án tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian mới chỉ được Bộ VHTT&DL chấp thuận, song mới chỉ dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị và lập kế hoạch, chứ chưa có quyết định thi công. Tuy nhiên, vì một số hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, phải chống cột phụ chồng chéo cho đỡ đổ, một phần mái của gian Nhà tổ bị sụt xuống, nên nhà chùa đã nôn nóng dỡ bỏ để xây mới sai nguyên tắc.

Điều đáng nói, trước ngày dỡ bỏ khu Gác khánh và Nhà tổ, sư thầy Thích Đàm Khoa đã lên xin UBND xã cử một số đoàn viên xuống giúp sức dỡ mái và cột chùa. Đích thân ông Lương cũng đã xuống tận nơi để giám sát. Trước khi tiến hành dỡ chùa, ông Lương đã yêu cầu sư thầy Thích Đàm Khoa đưa ra các văn bản, giấy tờ có liên quan, nhưng sư trụ trì cho biết, Sở VHTT&DL nói là đồng ý cho tu bổ rồi, nhà chùa cứ thế mà tiến hành. "Vì quá tin nhà chùa nên tôi đã không có chỉ đạo gì" - ông Lương nói.

Khi được hỏi về việc có báo cáo huyện tình hình tu bổ chùa Trăm Gian, ông Lương vòng vo, việc này đã giao cho cấp dưới, còn cấp dưới có báo cáo huyện hay không, ông không nắm được. Tại UBND xã Tiên Phương, ông Lương đã không đưa ra được bất cứ văn bản báo cáo nào về việc tu bổ chùa Trăm Gian gửi tới Phòng VHTT huyện.

Lỗ hổng lớn trong quản lý di tích - Ảnh 2

Nhiều tượng phật có giá trị bị sơn mới.

Ông Hoàng Minh Hiến, Trưởng Phòng VHTT huyện Chương Mỹ cho biết: Đến ngày 27/8 (nghĩa là khoảng 1 tháng sau khi Gác khánh bị dỡ), Phòng VHTT mới nhận được một báo cáo ngắn của Ban VHTT xã Tiên Phương về tình hình của tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian. "Tôi đã tức tốc xuống giải quyết sự việc, nhưng do địa phương báo cáo quá chậm, cộng với công tác tháo dỡ và xây dựng quá nhanh, nên không kịp làm gì".

Phòng VHTT huyện cũng thẳng thắn nhận khuyết điểm vì không thường xuyên kiểm tra, bám sát tình hình cơ sở nên để xảy ra tình trạng này.

"Chữa cháy" sau vi phạm

Việc Bộ VHTT&DL lập một đoàn thanh tra và yêu cầu đơn vị thi công tạm dừng công tác trùng tu là đúng. Nhưng, đây mới chỉ là biện pháp "chữa cháy" sau vi phạm. Bởi vì, Gác khánh, Nhà tổ của ngôi chùa ngàn tuổi đã bị phá bỏ chưa biết đến bao giờ có thể khôi phục lại như cũ. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao việc phá dỡ Gác khánh, Nhà tổ ấy diễn ra tấp nập trong thời gian tới 3 tháng như vậy, mà chẳng thấy cấp quản lý xã, huyện "lên tiếng"? Phải chăng, các cấp quản lý đã không có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Do vậy, người có chuyên môn, trách nhiệm không thể kiểm tra và không biết kiểm tra như thế nào.

Đó là chưa kể, cách phân khu quản lý di tích đã được xếp hạng của Bộ VHTT&DL có nhiều lỗ hổng, quản lý chồng chéo, nên không hiệu quả. Theo quy định, trách nhiệm quản lý di tích thuộc về cấp xã và cấp Sở, nhưng trách nhiệm trùng tu di tích lại thuộc cấp cao hơn là Cục Di sản và Bộ VHTT&DL, và địa phương quản lý di tích lại… đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, rất nhiều di tích trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vẫn phải chờ được ý kiến thẩm định trùng tu của cấp trên. Thế nên mới xảy ra tình trạng đổ cây xà cừ, các cột gỗ lim của Nhà tổ mục rỗng, rình rập nguy cơ đổ sập... để rồi toàn bộ cấu kiện của Nhà tổ và Gác khánh bị đập đi, 18 bức hình tượng La Hán bị tô vẽ bằng sơn Nippon… Và câu chuyện tu bổ chùa Trăm Gian rơi vào cảnh "sự đã rồi". Trước vấn đề này, ông Hoàng Minh Hiến, Trưởng phòng VHTT huyện Chương Mỹ kiến nghị: "Đề nghị các cơ quan quản lý cấp trên khi phê duyệt các công trình tu bổ di tích có thể cho ngành văn hóa địa phương tham gia để kịp thời phát hiện, xử lý các bất cập phát sinh".

Đặt câu hỏi về cái "sự đã rồi" này với Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Đức Hòa - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý di tích chùa Trăm Gian, thì nhận được "đáp án" ở tương lai rằng: "Sở sẽ phối hợp với Bộ để đưa ra biện pháp cụ thể! Việc tu bổ chùa Trăm Gian chắc chắn sẽ phải thực hiện đúng theo quy trình".

Chưa biết, biện pháp mà nhà quản lý đưa ra sẽ như thế nào, nhưng hết thảy vẫn không nằm ngoài cái cách quản lý "chạy theo vi phạm", xử lý kiểu "chữa cháy". Điều này cho thấy rõ nét một lỗ hổng lớn trong quản lý di tích hiện nay.
 

"Từ năm 2008, di tích chùa Trăm Gian xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều lần nhà

chùa làm đơn trình lên Sở VHTT&DL và Bộ VHTT&DL, mãi đến năm 2010 Bộ mới đưa ra quyết định trùng tu nhưng sau lại dừng lại vì không có kinh phí. Vừa rồi, tôi sang Lào mua được 100 khối gỗ lim. Có gỗ mà chùa sắp đổ nên tôi quyết định làm luôn. Kinh phí trùng tu này hoàn toàn do nhà chùa vay, mượn và nguồn cung tiến của phật tử". 

Sư thầy Thích Đàm Khoa - Trụ trì chùa Trăm Gian