Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗ hổng lớn về quyền tham gia của trẻ em

Thuỷ Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hiện đang có lỗ hổng rất lớn từ phía gia đình, nhà trường, kể cả chính sách trong việc tham gia của trẻ em”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh cho biết tại chương trình đối thoại Sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng - hoạch định chính sách liên quan đến trẻ em, hôm nay 16/3.
Thưa bà, khi tổ chức buổi đối thoại này, MSD kỳ vọng gì về sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng hoạch định chính sách liên quan đến các em?
- Công ước Quốc tế về quyền trẻ em quy định trẻ em có quyền được nêu lên những ý kiến, mong muốn của mình để chúng ta có thể đáp ứng. Theo Luật Trẻ em 2016 và những chương trình quốc gia khác cam kết sự thúc đẩy tham gia của trẻ em, tạo môi trường để các em biểu đạt.
 Giám đốc Nguyễn Phương Linh

Chúng ta cam kết thực hiện Công ước Quốc tế về quyền trẻ em và có những hành lang pháp lý rất tốt cho sự tham gia của các em. Nhưng đâu đó trong thực tế, việc thực hành cho sự tham gia này không tồn tại hoặc hình thức chưa hiệu quả để trẻ em có thể lên tiếng.
Chúng ta thấy những vụ việc xảy ra gần đây cho thấy lỗ hổng trong sự tham gia của các em rất rõ. Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) bị phát hiện rất muộn. Đôi khi hàng xóm, cộng đồng biết và chính em bé bị xâm hại không lên tiếng cho thấy trong gia đình có vấn đề. Học sinh ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên vừa qua bị áp đặt tham gia vào cuộc khảo sát với sự chỉ đạo của người lớn. Các em đã bị tước đi quyền của mình và thậm chí không được nói “không tham gia”.
Trên nhiều diễn đàn chúng ta lấy ý kiến xây dựng chính sách, trẻ em tham gia đọc những bài diễn văn mang tính chất của người lớn. Điều đó cho thấy từ gia đình, nhà trường, tới chính sách đang có lỗ hổng trong việc tham gia của trẻ em.
Bà có ý kiến gì khi những vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) xảy ra nhưng các em sợ phải lên tiếng?
- Nguyên nhân của các vụ xâm hại đó đã được mổ xẻ trên các diễn đàn. Như tôi đã nói, sự tham gia của trẻ đang có lỗ hổng. Các vụ việc đều được phát hiện rất muộn, khi sự việc đó lặp đi lặp lại nhiều lần và ở mức độ nghiêm trọng hơn. Vì thế, tôi nghĩ điều quan trọng hơn đó là trong gia đình, hàng xóm, cộng đồng tạo môi trường an toàn để các em có thể lên tiếng. Bởi các nạn nhân bị xâm hại tình dục phải chịu nỗi đau rất lớn về thể xác lẫn tinh thần. Các em rất sợ khi nói ra sẽ bị đổ lỗi, đe doạ.
Liên quan đến chính sách, nói đến những vụ XHTDTE, chúng ta trọng chứng cứ hơn là những cái mang tính chất mô tả. Trong khi pháp luật quốc tế trọng mô tả, chứ không phải chứng cứ dấu vết. Bởi vì XHTDTE rất phức tạp, không chỉ là thể xác để lại dấu vết mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần rất nhiều. Tôi nghĩ, nếu có sự tham gia của trẻ em để biết được thực trạng thế nào thì những quy định trong pháp luật này cần được điều chỉnh. Đây là cách để trẻ em nói lên tiếng nói của mình.
Cũng như vậy, trong quá trình tố tụng, nếu cán bộ, công an không biết cách nói chuyện với trẻ em, tạo cho các em môi trường an toàn để lên tiếng, mà thực hiện cách hỏi cung thông thường thì đó là“xâm hại trẻ em lần thứ hai”.
Như vậy, với những vụ XHTDTE, cần phải có sự thân thiện để trẻ em nói ra?
- Chúng ta có hẳn chương trình thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào quá trình xây dựng chính sách. Nhưng cách thức như thế nào và ra làm sao thì không đề cập đến. Việc này dẫn đến sự tham gia của trẻ em ở mức độ thông báo, hỏi cho có, thậm chí các em cũng không biết có hay không. Do đó, sự tham gia của trẻ em mang tính chất hình thức chứ không trực tiếp.
Vậy bà có kiến nghị gì để thời gian tới, trẻ em tham gia nhiều và thực chất hơn?
- Sự tham gia của trẻ em đã được quy định trong pháp luật. Bây giờ chúng ta quy định chi tiết hơn, có những hướng dẫn, tập huấn, nâng cao năng lực, nhận thức cho cộng đồng cũng như cán bộ nhà nước. Và, tất cả chúng ta cùng chung tay. Tôi nghĩ đây không phải là trách nhiệm của mình Nhà nước, mà chính trong gia đình, cộng đồng tạo ra môi trường an toàn để trẻ em tham gia.
Xin cảm ơn bà!