Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộ kẽ hở chứng thực tại cấp xã

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công an (CA) huyện Đông Anh vừa có thông báo kết quả điều tra, khám phá 2 vụ án làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Điều đáng nói, việc phá 2 vụ án này đã phát lộ kẽ hở trong quản lý Nhà nước đối với công tác chứng thực tại cấp xã.

Vụ thứ nhất là vào đầu tháng 9/2014, cơ quan điều tra – CA huyện Đông Anh phát hiện Tạ Văn Hiềm (SN 1976, ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh) - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ FCI Việt Nam (gọi tắt là Công ty Bảo vệ) đã sử dụng văn bằng giả để làm hồ sơ xin thành lập công ty.

Ngày 8/9/2014, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và hơn 20 ngày sau, đã quyết định khởi tố bị can đối với Hiềm với tội danh nêu trên. Kết quả điều tra cho thấy, năm 2011, Hiềm mua một bằng tốt nghiệp cao đẳng giả của trường Cao đẳng GTVT, sau đó photocopy rồi đến UBND xã Đông Hội chứng thực và sử dụng một bản sao chứng thực nộp tại Sở KH&ĐT Hà Nội, để làm hồ sơ thành lập Công ty Bảo vệ do Hiềm làm giám đốc.
Rất nhiều phôi bằng và hàng trăm con dấu giả bị Công an Hà Nội thu giữ.              Ảnh:  Hữu Việt
Rất nhiều phôi bằng và hàng trăm con dấu giả bị Công an Hà Nội thu giữ. Ảnh: Hữu Việt
Vụ thứ hai, trong các ngày 31/10 và 4/12/2014, CA huyện Đông Anh đã quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Đình Khai (trú tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh) và Phạm Nhất Muôn (trú tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Trong quá trình điều tra, CA huyện Đông Anh kết luận, năm 2010, Khai mua một bằng tốt nghiệp cao đẳng giả của trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp I, cùng bản sao chứng thực bằng giả.

Cũng tại thời điểm đó, Muôn mua 4 bản sao chứng thực giả bằng tốt nghiệp đại học mang tên đối tượng này, ghi trường Đại học Kinh tế quốc dân cấp. Mục đích mua bằng, chứng thực giả của Muôn và Khai là để hợp thức hóa việc thành lập Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ KTC Hà Nội do Khai làm giám đốc và Muôn là thành viên sáng lập. Quá trình mở rộng vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ, năm 2011, Muôn tiếp tục sử dụng một bản sao chứng thực bằng giả tốt nghiệp đại học nộp hồ sơ tại Sở KH&ĐT Hà Nội để đăng ký thành lập Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp Sơn Hà Việt Nam do đối tượng này làm giám đốc.

Các đối tượng trong cả 2 vụ việc nói trên đều khai nhận, thông qua mạng internet để giao dịch mua bằng và chứng thực bằng tốt nghiệp giả với giá từ 0,5 - 2,5 triệu đồng. Cơ quan công an cảnh báo, sau khi các đối tượng sử dụng văn bằng giả đến chứng thực tại UBND xã, phường, người có trách nhiệm chỉ căn cứ vào giấy tờ để thực hiện nhiệm vụ và họ không đủ trình độ chuyên môn để nhận biết được đâu là văn bằng thật, đâu là giả. Có trong tay chứng thực văn bằng giả được UBND xã đóng dấu đỏ, đối tượng phạm tội mang đến các cơ quan chức năng khác để nộp kèm hồ sơ và lẽ đương nhiên, cán bộ các bộ phận này cũng chỉ căn cứ vào bản chứng thực để thực hiện phần việc của mình.