Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lơ mơ về kiến thức dinh dưỡng: Một thực trạng đáng lo ngại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ở những thành phố lớn, tỷ lệ béo phì gia tăng nhưng tại nhiều địa phương tình trạnh suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em cũng đang ở mức báo động.

KTĐT - Ở những thành phố lớn, tỷ lệ béo phì gia tăng nhưng tại nhiều địa phương tình trạnh suy dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em cũng đang ở mức báo động. Mặc dù nhiều chương trình dinh dưỡng và sức khỏe đã được triển khai, nhưng tình trạng trên vẫn khá phổ biến…

Lỗi tại bố mẹ


Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, 33,9% trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi. Thống kê tại các trường tiểu học cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng chiếm 20%, thiếu kẽm khoảng 30%, thiếu máu, thiếu sắt chiếm 34% ở trẻ em dưới 5 tuổi và 20% ở lứa tuổi tiểu học. Chế độ ăn của trẻ em Việt Nam mới chỉ đạt 30 - 50% so với nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, giống nòi của cả một thế hệ trẻ Việt Nam. Thêm vào đó, sự thiếu hiểu biết về dinh dưỡng và sức khỏe bà mẹ mang thai cũng phần nào tạo ra một thực tế đáng tiếc này.


ChịNguyễn Hồng Lan (khu TTĐH SP Hà Nội) đưa cậu con trai 6 tuổi đến tư vấn tại Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Vợ chồng tôi hiếm muộn, cưới nhau 8 năm mới sinh được cháu. Dưới 3 tuổi, cháu lười ăn, ốm nheo nhóc. Lo con gầy yếu, vợ chồng tôi tích cực “nhồi nhét"… Cháu thích ăn gì, chúng tôi cũng cho ăn nên sau 3 năm cháu tăng 15kg. Thực lòng, có rất nhiều sách báo, chương trình về cách chăm sóc con, nhưng chưa bao giờ tôi nhận được thông tin đầy đủ chế độ dinh dưỡng.


Theo Ths. Lê Thị Hải, Trưởng phòng Khám, tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng thì hàng ngày phòng khám tiếp nhận khá nhiều trường hợp suy dinh dưỡng, bên cạnh đó lại không ít trẻ béo phì đến khám.Hiện tại, các bé 6 - 7 tuổi nặng hơn 40kg không phải là hiếm. Cá biệt, mới đây, có trường hợp cháu bé chỉ 27 tháng tuổi mà nặng 27kg được đưa đến Viện Dinh dưỡng quốc gia khám khiến các bác sĩ cũng thấy… kinh ngạc. “Khi bé ở độ tuổi chưa ý thực được hành vi, không có bệnh về chuyển hóa…, thì rõ ràng, việc để bé béo phì là lỗi ở bố mẹ", Ths. Hải nhấn mạnh.


Lời khuyên của chuyên gia


TS Nguyễn Thị Lâm - Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, khoa học đã chứng minh, béo phì khi nhỏ sẽ dẫn đến mắc nhiều bệnh khi lớn (như đái tháo đường, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, bệnh về xương khớp, sỏi mật…), tuổi thọ giảm. Kể cả chưa cần làm người lớn, trẻ thừa cân béo phì đã có thể mắc cao huyết áp, đái tháo đường. Ở Việt Nam, mới đây đã ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ 6 tuổi đã bị đái tháo đường týp 2. Trẻ 9 đến 11, 12 tuổi bị đái tháo đường giờ cũng không phải hiếm. Rõ ràng, cân nặng, chế độ ăn liên quan đến sức khỏe rất nhiều. Vì thế, dù trẻ thèm ăn, đòi ăn, nhưng nếu đã thừa cân thì bố mẹ cần kiên quyết. Việc thương con, cho ăn đã miệng sẽ là hại con. 


Nhiều nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy khẩu phần ăn của bà mẹ, trẻ em Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng về năng lượng, can xi, sắt và các vitamin nhóm B… Ngoài ra, các vấn đề liên quan tới dinh dưỡng và lối sống không hợp lý như thừa cân, béo phì, đái tháo đường týp 2, bệnh tim mạch… đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng tại các thành phố lớn. Để giảm những nguy cơ trên, TS Nguyễn Thị Lâm đưa ra những khuyến nghị: Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, bổ sung vi tamin A liều cao 2 lần/năm; tẩy giun định kỳ, bổ sung kẽm điều trị tiêu chảy; hỗ trợ thức ăn bổ sung có tăng cường đa vi chất dinh dưỡng: can xi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin. Đối với trẻ tiểu học, cần tăng cường giáo dục, hướng dẫn ăn hợp lý nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng của khẩu phần ăn hàng ngày. Nên bổ sung bữa ăn phụ bằng thực phẩm sữa có giá trị dinh dưỡng giàu protein và có bổ sung đa vi chất dinh dưỡng nhất là các vi chất thiết yếu như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin nhóm B… Đối với những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần bổ sung sắt nhằm dự phòng thiếu máu, thiếu sắt và acid folic cho từng đối tượng.